Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Anh- một số điều cần biết
15 | 10 | 2008
Đối với cà phê, Vương quốc Anh là một trong 10 thị trường quan trọng hàng đầu nhập khẩu cà phê Việt Nam. Bình quân mỗi năm nước Anh nhập khẩu 29.000 tấn cà phê từ Việt Nam, năm cao nhất lên tới 40.000 tấn.
Ngày nay, khi xu hướng sử dụng sản phẩm chất lượng cao của người tiêu dùng ngày càng cao thì các tập đoàn phân phối, các nhà cung cấp sản phẩm đặc biệt là hàng thực phẩm cũng ngày càng khắt khe hơn trong vấn đề chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của họ. Họ sẵn sàng mua giá cao hơn nếu chúng ta đáp ứng được yêu cần chất lượng cao của họ.

Qua buổi làm việc với Tập đoàn Nestle UK, cơ quan thương vụ Việt Nam thấy có một số vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất là cà phê xuất khẩu đã qua kiểm nghiệm vẫn có thể bị khiếu nại về chất lượng. Mặc dù đã được Trung Nâm kiểm tra chất lượng (NQCC) của Nestle kiểm tra (tại Việt Nam là NQCC Đồng Nai) độ ẩm và cấp chứng nhận nhưng lô hàng đó vẫn có thể bị khiếu nại. Trong trường hợp này thì phần thiệt hại thường thuộc về phía chúng ta (người bán) vì có thể bị ép giá.

Nestle có quy trình kiểm tra chất lượng tuần hoàn rất chặt chẽ gồm các công đoạn: Nhà máy sản xuất kiểm tra chất lượng cà phê và phản ảnh đến Trung tâm mua hàng (CPCC)/Hệ thống mua hàng Nestle (NCPS); CPCC kiểm tra và phản ảnh đến người mua trung gian (Traders); Traders liên hệ với Trung tâm kiểm tra chất lượng Nestle (NQCC) để kiểm tra và phản hồi lại Nhà máy và Trung tâm mua hàng; nhà máy phối hợp với Hệ thống phân loại cà phê xanh (GCCS) và Trung tâm Kiểm tra chất lượng cà phê xanh (GCQC) để phân loại sản phẩm.; chế biến và sản xuất; tiêu thụ.

Với quy trình này, theo ông David- Phụ trách Trung tâm Kiểm tra Chất lượng của Nestle UK thì Nhà máy là nơi đưa ra quyết định cuối cùng về chất lượng cà phê có đủ tiêu chuẩn để đưa vào chế biến, sản xuất hay không. Như vậy, mặc dù lô hàng đã được NQCC tại Việt Nam kiểm tra nhưng khi hàng đến nhà máy, nếu thấy độ ẩm quá quy định họ vẫn có thể khiếu nại. Thứ hai là vấn đề không hóa xà phòng. Trong buổi làm việc, ông David đề cập đến vấn đề “không hóa xà phòng ” đối với sản phẩm cà phê. Đây là một vấn đề mới được các nhà quản lý chất lượng của Nestle rất quan tâm. Theo ông David, gần đây trong sản phẩm cà phê nhân Nestle nhập khẩu từ một số nước có mùi xà phòng. Qua kiểm tra, NQCC phát hiện” mùi xà phòng” có trong bao đay (jute bags) dùng để đựng cà phê xuất khẩu. Nguyên nhân có thể do bị dính dầu máy hoặc một loại dầu nào đó trong quá trình sản xuất bao đay. Theo ông David, mức độ xà phòng hóa chấp nhận được là 1,250mg/kg. Vấn đề “không hóa xà phòng” đang được Nestle quan tâm, coi đây là một trong những tiêu chuẩn chất lượng mà các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê cần đáp ứng.

Thứ ba là các chỉ số tiêu chuẩn về độ ẩm, tỷ lệ vỡ, tạp chất và sàng hạt. Theo các chỉ số tiêu chuẩn do Nesle đưa ra thì tiêu chuẩn của Việt Nam luôn thấp hơn tiêu chuẩn của Nestle và Sàn Giao dịch LIFFE. Vì vậy, theo ông David nếu bán trực tiếp trên sàn giao dịch thì giá cà phê Việt Nam sẽ bị giảm từ 30 đến 60USD/tấn. Về độ ẩm, ông David khuyên rằng để tránh nguy cơ bị loại khi hàng đến kho, các nhà sản xuất cà phê của Việt Nam nên áp dụng kỹ thuật, công nghệ để giảm độ ẩm xuống dưới 12% vì trong quá trình vận chuyển độ ẩm có thể tăng lên do ảnh hưởng của thời tiết.

Từ những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê Việt Nam cần chú ý, phối hợp với các cơ sở sản xuất bao đay xem xét vấn đề này, chủ động phòng ngừa vì rất có thể trong thời gian tới các nhà nhập khẩu sẽ đưa vấn đề này như một tiêu chí đánh giá chất lượng không chỉ đối với cà phê mà đối với cả hàng nông sản thực phẩm đựng trong bao đay.





Nguồn: Công thương
Báo cáo phân tích thị trường