Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau sạch Sannam, “đặc sản” cần được phổ biến
17 | 10 | 2008
Những cây rau bản địa mọc ở những vùng rừng núi xa xôi được tuyển chọn về trồng và chăm sóc bằng một công nghệ tiên tiến và nghiêm ngặt, một đội ngũ nhân viên với phương tiện chuyên chở hiện đại đảm nhiệm công việc chuyển rau đến tận nhà cho từng khách hàng…
Đó là cách mà Công ty cổ phẩn thực phẩm Sannam đã và đang làm để đưa rau sạch đến với người tiêu dùng. Thành lập từ tháng 5 năm 2008, công nghệ sản xuất rau sạch Sannam đã chứng tỏ được sự ưu việt về chất lượng, nhưng tên tuổi của những sản phẩm này vẫn chưa thực sự được nhiều người tiêu dùng biết đến.

“Biến” rau rừng thành rau vườn

Chủ nhân của ý tưởng này là tiến sĩ Hoàng Đình Phi, hiện đang là giảng viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội. Ông Phi là một người rất quan tâm đến thị trường thực phẩm, trong đó có rau xanh. Trong những chuyến đi công tác lên các địa phương miền rừng núi, được bà con tiếp đãi bằng các món rau rừng với hương vị lạ và ngon miệng, ông nảy ra ý tưởng sẽ đưa những sản phẩm từ núi rừng này đến với người tiêu dùng thành thị.Trong một thời gian dài, những nhân viên của Sannam được toả đi khắp mọi miền rừng núi phía Bắc để tìm và tuyển chọn những giống rau bản địa - những đặc sản mang đậm hượng vị núi rừng. Tất cả các mẫu rau sau khi chọn đều được phân tích kỹ lưỡng các chỉ tiêu về dinh dưỡng tại phòng thí nghiệm của công ty, trước khi đem ra gieo trồng. Vùng đất rộng hơn 20 ha nằm dưới chân núi Tản, thuộc địa phận thôn Đồi Voi, xã Vân Hoà, Ba Vì được chọn để xây dựng vùng chuyên canh rau. Nằm giữa thung lũng xen kẽ với những hồ nước tự nhiên, xung quanh được bao bọc bởi các dải núi cao và những cánh rừng xanh thẳm, không khí trong lành, nguồn nước tinh khiết và đất đai màu mỡ nơi đây là điều kiện lý tưởng cho những cây rau xanh sinh trưởng và phát triến. Tất cả các tiêu chí về đất, nước tưới, không khí đến khâu chăm sóc, thu hoạch và đóng gói đều được đảm bảo một cách nghiêm ngặt. Ông Vũ Quang Huy, giám đốc nhà máy thực phẩm Sannamfood Ba Vì cho biết: “Đặc điểm của rau rừng là rất dễ trồng, ít sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khi hàm lượng dinh dưỡng không hề thua kém các loại rau khác. Chính vì thế chúng tôi quyết định xây dựng mô hình trồng rau rừng, rau tự nhiên”.

Hiện nay, Sannam đã tuyển chọn và gieo trồng được gần 20 loại rau khác nhau, trong đó 10 loại là rau bản địa. Những loại rau như Tai voi, Sau sau, Bướm trắng, Lưỡi hổ, Báng… đều là những loại rau có nguồn gốc tự nhiên. Ngoài ra, Công ty cũng trồng thêm những loại rau phổ thông như cải, muống, mùng tơi… Một điểm đặc biệt trong mô hình kinh doanh rau sạch Sannam là phương thức bán hàng qua mạng. Mọi khách hàng muốn mua rau đều được tham khảo và đặt hàng qua website của công ty (www.senmart.com). Sau đó, mộtđội ngũ nhân viên được trang bị xe đông lạnh chuyên dụng sẽ giao sản phẩm đến tận tay cho khách hàng. Ông Nguyễn Đình Hồng, Phó chủ tịch xã Vân Hoà nhận xét: “Mô hình rau sạch mà công ty Sannam đang áp dụng là một mô hình rất tiên tiến, đảm bảo an toàn tuyệt đối từ khâu gieo trồng đến thu hoạch bảo quản. Đặc biệt, trong khi giao hàng, Sannam còn đưa tận tay người tiêu dùng những tài liệu chỉ dẫn cách bảo quản, chế biến, giá trị dinh dưỡng chi tiết của từng loại rau. Đây là cách làm không phải doanh nghiệp sản xuất rau sạch nào cũng có thể làm được”.

Bán hàng trên mạng chưa dễ

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Sannam hiện nay là lượng khách hàng còn quá hạn chế. Hiện mới chỉ có khoảng 50 địa chỉ thường xuyên liên hệ và đặt mua sản phẩm rau sạch của công ty. “Chúng tôi chỉ nhận đơn đặt hàng qua mạng nên số lượng khách còn khá hạn chế bởi thói quen mua hàng qua mạng của người tiêu dùng nước ta còn chưa phổ biến. Bên cạnh đó, giá cả của rau sạch Sannam cũng cao gấp từ 2 đến 3 lần so với rau thường nên sản phẩm của chúng tôi mới chủ yếu đến được với một bộ phận nhỏ khách hàng ở thành thị” – ông Trương Minh Hoàng, phó giám đốc công ty Sannam nói. Cũng theo ông Hoàng, vừa qua Sannam đã nộp đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu các giống cây trồng nhưng vẫn chưa có kết quả. “Chúng tôi đang hướng tới thị trường ngoài nước bởi nhu cầu về rau sạch ở thị trường đó rất cao, sản phẩm rau sạch của chúng tôi lại có nguồn gốc bản địa đặc trưng nên chắc chắn sẽ có sức hút mạnh đối với bạn bè quốc tế. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên chúng tôi cần có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các sản phẩm rau của mình. Chỉ khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì rau sạch Sannam mới có thể xuất ngoại được” – ông Hoàng nói. Được biết, sắp tới Sannam đang có dự định mở thêm một vùng chuyên canh rau sạch nữa tại khu đất đồi rừng rộng gần 300 hécta của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình. Về phía chính quyền, ông Nguyễn Đình Hồng cũng cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh rau tại Đồi Voi, đồng thời thành lập HTX rau sạch để nhân rộng hơn nữa mô hình trồng rau này đến với bà con”.




Nguồn: Kinh tế và đô thị
Báo cáo phân tích thị trường