Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp để hoàn thành mục tiêu chăn nuôi năm 2009
21 | 10 | 2008
Ngày 17/10, tại tỉnh Vĩnh Phúc, đã diễn ra "Diễn đàn khuyến nông & công nghệ" với chủ đề "Các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững". Diễn đàn do Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Quốc gia-Cục chăn nuôi-Báo Nông nghiệp VN-Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đồng tổ chức.
Trên 200 đại biểu là những nông dân tiểu biểu cùng cán bộ quản lý, cán bộ khuyến nông từ 13 tỉnh phía Bắc đã tham dự. Nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành , nhà doanh nghiệp đã tham gia Ban cố vấn trả lời các câu hỏi của nông dân.

Lãnh đạo Cục chăn nuôi Việt Nam đã báo cáo tình hình sản xuất chăn nuôi cả nước năm 2008 và những định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới. Báo cáo cho biết, mặc dù năm 2008 gặp nhiều khó khăn về thời tiết bất thuận, dịch bệnh, lạm phát nhưng ngành chăn nuôi vẫn tăng trưởng khá: Đàn gia cầm tăng 6%, đàn bò sữa tăng 10%, đàn bò thịt tăng 3%, duy nhất chỉ có đàn lợn giảm 3%. Mục tiêu chăn nuôi cả nước năm 2009 sẽ tăng trưởng 7-8 % so với 2008, tỷ trọng chăn nuôi đạt 28% cơ cấu sản xuất nông nghiệp.Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,2 triệu tấn, tăng 6,7% ; trứng gia cầm đạt 5,6 tỷ quả, tăng 7%; sữa đạt 280 ngàn tấn, tăng 12%; mật ong 17,1 ngàn tấn, tăng 5%; kén tằm 14,6 ngàn tấn...

Để đạt mục tiêu trên, Cục chăn nuôi nhấn mạnh 5 giải pháp chung cần thực hiện triệt để. Đó là sản xuất và cung ứng đủ giống tốt cho nhu cầu sản xuất. Tăng cường quản lý chất lượng con giống bằng cách thực hiện triệt để việc bình tuyển, đánh giá đàn giống trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống ở Trung ương và các địa phương, nhất là đối với lợn và bò. Phải tổ chức cấp chứng chỉ cho con giống, nếu đạt tiêu chuẩn mới cho lưu hành. Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh sản xuất, quản lý chất lượng và sử dụng có hiệu quả thức ăn chăn nuôi. Tăng cường các giải pháp kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất thức ăn và kiểm tra, giám sát tốt chất lượng thức ăn, bình ổn giá để hạ giá thành thức ăn. Giải pháp thứ ba là tăng cường năng lực hoạt động giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường chăn nuôi. Ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên hỗ trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để toàn cộng đồng thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Giải pháp thứ tư là tăng cường thông tin thị trường và xúc tiến thương mại trong chăn nuôi. Cập nhật, quảng bá thông tin về tình hình chăn nuôi, về giá cả, thị trường trong và ngoài nước, cả sản phẩm lẫn thức ăn gia súc...Giải pháp cuối cùng là kiện toàn hệ thống tổ chức ngành sao cho đủ năng lực để thúc đẩy ngành chăn nuôi vươn lên tăng trưởng về số lượng, chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Việc điều hành biểu thuế nhập khẩu thực phẩm hoặc thức ăn gia súc nguyên phụ liệu phải nhanh nhạy, hợp lý để ngành chăn nuôi trong nước phát triển, vừa tăng trưởng, vừa đáp ứng được quyền lợi tiêu dùng của người dân...

Diễn đàn diễn ra sôi nổi với hàng chục câu hỏi thiết thực của nông dân các địa phương xoay quanh các chế độ, chính sách, những kỹ thuật cơ bản trong chăn nuôi, vấn đề dịch bệnh, con giống, các loại vaccine. Một số vấn đề về giá cả, việc tiêu thụ sản phẩm cũng như cung cấp thức ăn gia súc và giá thức ăn gia súc" đầu vào" cho chăn nuôi...đều được Ban cố vấn trả lời cụ thể, thiết thực. Diễn đàn rất bổ ích đối với các đối tượng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả còn thấp. Tổ chức được diễn đàn đòi hỏi cả công lẫn của đều không nhỏ. Thế nhưng, việc bố trí đối tượng từ cơ sở tham dự lại tùy thuộc cách làm của từng Trung tâm khuyến nông tỉnh, huyện mà không có quy định cụ thể nào. Cả Diễn đàn chỉ có khoảng 150 nông dân hoặc cán bộ khuyến nông cơ sở. Đã thế, lại không có cơ chế, sự ràng buộc để những người được dự Diễn đàn khi về địa phương, cơ sở làm sao nhân rộng sự hiểu biết, làm cho nội dung Diễn đàn được lan toả rộng hơn. Mong các nhà quản lý, nhà tổ chức lưu tâm cho những Diễn đàn sau./.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường