Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thúc đẩy phát triển công nghiệp nhựa và cao su
22 | 10 | 2008
Việt Nam hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nhựa và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành cao su đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà sản xuất máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu của 2 ngành này.
Sáng 21/10, Triển lãm quốc tế về máy, thiết bị và nguyên phụ liệu ngành nhựa - cao su Việt Nam 2008 (Plastics & Rubber Vietnam 2008) đã khai mạc tại Trung tâm hội chợ & Triểm lãm quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (HIECC). Triển lãm do công ty Tổ chức triển lãm VCCI phối hợp với công ty Dịch vụ Triển lãm Băng Cốc và Messe Dussldorf Asia tổ chức, sẽ kéo dài đết hết ngày 23/10.

Đây là lần thứ 2 triển lãm về Plastics & Rubber tổ chức ở Việt Nam và được coi là sự kiện thương mại thích hợp, đúng lúc có tác dụng kích thích thêm sự phát triển lĩnh vực công nghiệp nhựa và cao su đang trên đà tăng trưởng.

Triển lãm thu hút sự tham gia của 39 đơn vị trong nước và 169 đơn vị đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Áo, Bỉ, Đức, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Philippines, Singapore, Thụy Điển, Thái Lan, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ...

Theo ban tổ chức, các nhà sản xuất chú ý đến việc đưa ra những công nghệ gia tăng năng suất cũng như bảo vệ môi trường. Triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, nguyên vật liệu, máy móc và các chất phụ gia trong sản xuất của các nước có nền kinh tế phát triển, giúp các doanh nghiệp nhựa, cao su Việt Nam trong việc tìm kiếm, đầu tư, nâng cấp các thiết bị công nghệ hiện đại nhằm đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Triển lãm cũng giới thiệu những công nghệ mới nhất và các giải pháp về sản xuất tiên tiến trong ngành nhựa và cao su của thế giới.

Trong khuôn khổ của Triển lãm, tại HIECC còn diễn ra hội thảo chuyên đề: “Ngành công nghiệp nhựa – Những xu hướng mới của khu vực và định hướng phát triển của Việt Nam” cùng những hoạt động gặp gỡ, giao lưu, giúp các nhà doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu đối tác, thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế...

Việt Nam hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nhựa và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành cao su đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà sản xuất máy móc thiết bị.

Nhựa sẽ trở thành ngành kinh tế mạnh vào năm 2010

Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu 9 tháng vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Mục tiêu đang phấn đấu của ngành nhựa là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%/năm từ nay đến 2010, trở thành một ngành kinh tế mạnh vào năm 2010 với tổng sản lượng đạt 4.200.000 tấn các sản phẩm chủ yếu (bao bì, vật liệu xây dựng, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật cao).

Các chuyên gia hoạch định chiến lược cho rằng, ngành nhựa cần phải sử dụng tối đa nguyên liệu sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ vật liệu mới, phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hoá về chủng loại, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng sản lượng xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới... mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: “Từ nay đến năm 2010 ngành nhựa cần phải thực hiện tốt 3 chương trình trọng điểm là phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu; sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao và sản phẩm nhựa xuất khẩu; phát triển công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành nhựa”.

Nâng diện tích trồng, phát triển sản xuất cao su

Đối với cao su, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mang lại những ảnh hưởng tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, thu hút đầu tư, tiếp thu công nghệ; các doanh nghiệp cao su Việt Nam có cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm cao su có giá trị cao, chuyển đổi thị trường.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phát triển mạnh cũng đang làm tăng giá trị cho ngành cao su, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm có giá trị kinh tế. Với lợi thế đó, định hướng của ngành cao su Việt Nam tới năm 2010 là nâng diện tích trồng cao su lên 700.000 ha (gấp 1,5 lần hiện tại), sản lượng đạt 520.000 tấn mủ, phát triển sản xuất cao su công nghiệp, xuất khẩu cao su thành phẩm kết hợp với cao su nguyên liệu...

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, ngành cao su phải đa dạng hoá sản phẩm, phát triển sản xuất chế biến, thay đổi cơ cấu ngành hàng, thay đổi cấu trúc sản xuất để khai thác triệt để thế mạnh, tăng cường năng lực cạnh tranh, ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm có giá trị cao, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, marketing, lựa chọn và tiếp thu công nghệ, đào tạo nâng cao chất lưọng nguồn nhân lực...




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường