Ông Luật cũng cho biết, chính lúc này là thời điểm thích hợp nhất cho họ bước vào thị trường bất động sản, tài chính... Môi trường đầu tư tại Việt Nam đã dần trở lại với đúng thực tế của nó. Hiện một loạt các công ty của Đức đang ráo riết tìm kiếm cơ hội để thâm nhập và mở rộng thị trường Việt Nam, như tập đoàn Metro Group, Groz Beckert Group, Bosch AG, Einhell AG, WERNER Holding... Ngoài ra, tháng 9 vừa qua, đại diện hơn 40 doanh nghiệp Đức đã sang thăm Việt Nam. Điều đó cho thấy lạm phát ở Việt Nam không ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp Đức.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Luật, bắt đầu từ 1/1/2009, theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO, một số lĩnh vực ở Việt Nam sẽ mở cửa hoặc cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn. Do đó lĩnh vực bán lẻ hiện nay đang thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, nhu cầu phát triển về cơ sở hạ tầng, lĩnh vực xây dựng cũng là một thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp Đức. Lĩnh vực giáo dục và dạy nghề cũng là một thị trường khá tiềm năng. Lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng được các doanh nghiệp Đức có công nghệ môi trường đang ráo riết "nhòm ngó" thị trường Việt Nam.
Ông Luật cũng cho rằng tuy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm ăn theo tiêu chuẩn quốc tế, chưa chuyên nghiệp; Chất lượng hàng hóa chưa tạo được thương hiệu tại Đức, nhưng các mặt hàng chủ yếu như cà phê, chè, gạo, thủ công mỹ nghệ mà Việt Nam xuất khẩu sang Đức lại đang được một loạt các công ty của Đức và doanh nghiệp Đức và chuyển hướng sang đầu tư và làm ăn tại Việt Nam quan tâm. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên, tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Đức.