Phát biểu trước hơn 400 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc ngày 23/10, Thủ tướng nhấn mạnh mỗi một dự án được triển khai là chiếc cầu nối hữu nghị thiết thực giữa hai nước.
Thủ tướng cũng nêu bật một số tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam và coi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, đoàn Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc trao đổi một số biện pháp nhằm cụ thể hoá quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào lĩnh vực hợp tác thương mại và đầu tư với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 25 tỷ USD vào năm 2010.
Thủ tướng đã giải đáp một số kiến nghị của các doanh nghiệp Trung Quốc về các giải pháp kiềm chế lạm phát, những chính sách ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp Trung Quốc và lập các dự án điện.
Ngay sau diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa hai nước, gồm Thỏa thuận khung hợp tác giữa Tập đoàn Chiêu thương (Trung Quốc) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Thỏa thuận ghi nhớ về thăm dò than ở khu vực đồng bằng sông Hồng giữa Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Than quốc gia (CNACG) và Công ty liên doanh Bantry Bay Asia LLC; Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) với Tập đoàn Chiêu thương; và Thỏa thuận nguyên tắc liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu sạch tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tập đoàn Xinao.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu 11 (AEBF 11) với sự tham dự của trên 800 doanh nghiệp của 2 châu lục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một trong những giải pháp quan trọng giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua những khó khăn hiện nay là phải tăng cường các quan hệ đối tác công-tư. Thủ tướng nhấn mạnh nhận thức rõ tầm quan trọng này, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" với nhiều chính sách như đa dạng hoá hình thức sở hữu; thực hiện cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án sử dụng nhiều lao động, dự án công nghệ cao và đầu tư vào giáo dục, y tế, thể thao, du lịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang khẩn trương hoàn thiện khung pháp luật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để đẩy mạnh thu hút nguồn lực tư nhân, tích cực cải thiện hơn nữa môi trường pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các mô hình hợp tác đầu tư có tính chất đối tác công-tư như BOT, BTO, BT... trên mọi lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cho biết sau 2 năm là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2008, Việt Nam thu hút trên 57 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2007.