Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ế như... chợ gạo
27 | 10 | 2008
Người dân ĐBSCL đang lao đao, khổ sở vì nợ nần chồng chất, lúa chất đầy nhà mà túi thì trống rỗng.
Trăm người bán, một người mua

“Chợ gạo” khu vực Bà Đắc - An Cư, huyện Cái Bè (Tiền Giang), được coi là đầu mối giao thương lúa gạo lớn nhất ở các tỉnh ĐBSCL, những ngày này thiếu hẳn vẻ nhộn nhịp thường có. Ở đây có hàng trăm vựa gạo và nhà máy lau bóng gạo.

Từ xa, đã nghe hương gạo thơm thoang thoảng trong gió. Chỉ cần tới đây là biết ngay “hơi thở” của thị trường lúa gạo ĐBSCL, trong nước và cả... thị trường thế giới.

Khoảng 10 giờ trưa, nắng gay gắt. Mỗi vựa gạo có chừng vài chục “hàng xáo” đang ngồi la liệt. Người ngồi, người leo tuốt trên đống gạo, chống tay ngóng ra lộ xe. Cánh công nhân khuân vác vừa nói chuyện vừa hút thuốc, khói bay nghi ngút. Con sông phía sau chật kín ghe neo đậu, mấy chủ ghe đang ngồi chơi xơi nước đợi tài. Không khí uể oải...

Chợt có một xe tải ghé vào, không khí trở nên ồn ào, sôi động hẳn lên. Một “lái gạo” nhảy vội xuống xe, tay cằm lăm lăm cây “xôm gạo” nhọn hoắt. Ngay lập tức, một nhóm vài chục phụ nữ bám theo, tay chìa “hàng mẫu” là bọc gạo nhỏ tranh nhau mời chào.

Ông ta đi rẽ ngang, rồi rẽ dọc, đến đâu cũng xôm hàng, trút vào tay, lắc lắc đầu, kèm theo câu trả lời: “Đã mua thì mua gạo tốt chớ xấu mua làm gì?”. Nói rồi ông ta lại nhanh chóng vừa đi vừa xôm cây nhọn vào bất kỳ bao gạo nào ngang tầm tay, miệng hỏi liên tục “mấy?”- “sáu ngàn mốt”- bỉu môi “xời, năm ngàn rưỡi”. “Mấy?”- “Sáu ngàn ba” - trề miệng “Năm ngàn sáu. Bán thì ghi số xe”.

Sau một vòng xăm soi tới lui và cho giá quanh vựa, nhóm hàng xáo tỏ ra “ngậm ngùi”. Họ lắc đầu ngao ngán: “Gạo IR 50404 mà bán 6.000 đồng/ki lô gam đã lỗ rồi, nếu mua 5.800-5.900 đồng/ki lô gam, cũng chịu lỗ bán luôn. Nhưng giá thấp quá. Bán lỗ chết sao!”. Ông trả lời: “Lúc này vào vựa nào mà không đầy gạo, tha hồ chọn. Giá đắt ai mua!”.

Nhóm hàng xáo khác lại đeo theo một thương lái nữ, vẻ mặt cũng khó đăm đăm. Chị ta xôm thử hàng, trút ra tay, hỏi: “mấy”, có người trả lời “sáu bốn” - “năm chín lấy”- “trời gạo đẹp vậy mà”. Nãy giờ chị Hiền cũng cầm bịch gạo mẫu bám miết theo, hễ thấy người mua rảnh tay là xọt hàng mình vào: “Mua của em đi chị, năm chín nè”. “Thôi xấu quá”.

Cánh hàng xáo lại quay sang một lái khác mới bước vào, nhưng chỉ tìm gạo Đài Loan. Trong thời buổi gạo lúa ế ẩm này, chỉ có gạo thơm Đài Loan là được giá và “được chợ” nhất. Hiện hàng xáo đang mua vào 9.500 đồng/ki lô gam lúa Đài Loan hoặc thơm Lài, Jasmine rẻ hơn nhưng cũng được giá 7.500 đồng/ki lô gam. Anh lái gạo cho biết, nếu có gạo đẹp, lấy ngay trăm bao. Anh nói: “Xuất khẩu thì gạo ngang là được, nhưng lúc này chủ yếu bán nội địa nên gạo ngon, thơm mới bán được. Bởi vậy, gạo Đài Loan 15.000 đồng/ki lô gam vẫn hút hàng”.

Khi gạo “ố vàng”

Chị Hương, một hàng xáo ở Cai Lậy, Tiền Giang, than: “Gạo tốt bây giờ trong dân cũng không còn. Lúa hè thu giờ đang bị ố vàng, nên phải mua giá thấp hoặc chỉ bằng gạo mới. Nhiều nông dân đã trộn lúa cũ với lúa mới cho dễ bán. Rốt cuộc, chỉ có tụi tui gánh lỗ”. Chị Thùy Trang ngồi kế bên cũng than trời: “Giá tuột mỗi ngày. Mới tuần trước còn 5.500-5.700 đồng/ki lô gam gạo lức (loại 10%), tuần này chỉ còn 4.800 đồng/ki lô gam, lỗ gần chết hết rồi. Chuyến trước tui đi ghe 24 tấn, lỗ 12 triệu đồng, chuyến này đi ghe 25 tấn, lỗ tiếp 7 triệu”. Chị Hương kế bên lập tức lên tiếng: “Tui mới lỗ nhứt nè, 20 triệu đồng rồi đó”. Chú Năm Đông ngồi cách đó không xa cũng xen vào: “Tui đi 17 tấn lỗ 17 triệu”.

Thời điểm này ai đi buôn gạo mà không bị lỗ mới lạ. Dù vậy, như anh Phạm Phú Cường cho biết: “Tui mua bán lúa gạo hơn chục năm, đâu có thấy năm nào kỳ vậy. Giá cả ba bữa lên, bốn bữa sụt. Mọi năm mùa này không có gạo bán. Tui phải đi khắp nơi, xuống tận Rạch Giá, sang Campuchia kiếm đỏ mắt mới mua được lúa. Đâu như chuyến mới này, chỉ 60 tấn mà bán 20 ngày không hết gạo”. Cũng theo anh Cường, nếu trước đây thương lái thường mua lúa dự trữ thì hiện nay mua lúa rồi phải bằng mọi giá chà gạo để bán ra, càng nhanh càng tốt”.

Nông dân cũng chết theo

Chú Năm Bảo ở Trà Ôn đã phải bán con bò để trả nợ tiền phân, thuốc. Chú phân bua: “Nợ tiền phân từ hồi vụ hè thu, qua tới vụ thu đông nợ lại chồng lên thêm, giờ chuẩn bị làm vụ đông xuân mà không trả nổi nữa thì mặt mũi nào dòm người ta?”. Trong khi đó, với 15 công ruộng, lúa hè thu đã chất đầy nhà, lúa thu đông giờ chú Năm Bảo phải chất ra cả vỉa hè.

Bà con nông dân giờ không còn gọi là “đón lúa về” mà đang hoảng hốt khi lúa “ập tới”. Còn một chuyện nữa là trước nay nông dân không quen đem lúa về nhà. Vì thế khi không bán lúa được tại ruộng, chở về nhà lại không có sân phơi, thậm chí “tấm đệm phơi... cũng chẳng có. Lúa chất đầy nhà mà khó khăn đủ điều, tiền ngân hàng, tiền vật tư phân bón, tiền công thu hoạch lúa...”.

Các hàng xáo cũng thừa nhận từ sau ngày sốt gạo tới giờ, chục nhà có lúa thì chỉ hai nhà bán được. Không ít gia đình còn tồn đọng cả ngàn giạ lúa. Chị Phạm Thị Lý, một hàng xáo ngồi ủ ê: “Phải chi đừng có... ngày sốt gạo đó. Chỉ được cao giá một ngày, rồi từ đó đến nay không có ngày nào không bị lỗ lã. Nhà nước tính cách nào để giá cao hay thấp thì cũng phải ổn định, chớ cứ vài bữa lên, vài bữa xuống như vậy thương lái lỗ lã, không dám mua lúa, nông dân cũng chết theo”.





Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường