Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường sữa hậu “melamine”
29 | 10 | 2008
Thông tin về sữa và các sản phẩm từ sữa tại Trung Quốc bị nhiễm chất melamine đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng Trung Quốc và ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam
Cần có phản ứng chính sách như thế nào trước những “cú sốc” dạng này trên thị trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường sữa nói chung và thị trường sữa nhập khẩu nói riêng là điều cần phải phân tích.

Sữa từ Trung Quốc chỉ chiếm 1%!

Nhập khẩu trực tiếp sữa và sản phẩm từ sữa có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam có thể đi theo hai con đường chính ngạch và tiểu ngạch. Giá trị nhập khẩu theo đường tiểu ngạch khó có thể biết chính xác, nhưng chắc chắn không thể quá lớn do đặc điểm của hình thức nhập khẩu này. Ngoài ra, sữa và sản phẩm từ sữa có nguồn gốc Trung Quốc có thể được nhập khẩu gián tiếp vào Việt Nam từ một nước thứ ba sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc Trung Quốc để sản xuất hàng hoá trước khi xuất khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, con đường này trong thời gian tới sẽ bị hạn chế bởi nước thứ ba cũng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn cung nguyên liệu sữa từ Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê chính thức của tổng cục Hải quan (TCHQ) Việt Nam, từ năm 2002 tới năm 2007, chưa khi nào sữa và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam vượt quá mức thị phần 1%. Trong giai đoạn nói trên, trung bình Việt Nam nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa với kim ngạch gần 228 triệu USD/năm, trong đó cao nhất là năm 2007 với trên 362 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc Trung Quốc năm 2005 là 0,9% tổng giá trị, năm 2006: 0,3% và năm 2007: 1%.

Nên có đánh giá nhanh và những hỗ trợ kịp thời cho ngành sản xuất và kinh doanh sữa và các sản phẩm sữa trong nước, đặc biệt là các hộ gia đình, doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa trong nước.

Nên khách quan trong đánh giá sữa và các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc xét từ góc độ lợi ích của chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như của người tiêu dùng Việt Nam. Không phải mọi sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc đều nhiễm melamine.

Nên có các biện pháp thông tin rộng rãi với tần suất cao hơn nữa cho người tiêu dùng về nguồn gốc và chất lượng các loại sữa và sản phẩm từ sữa có trên thị trường để họ không lo ngại quá mức, nhanh chóng vượt qua giai đoạn này và quay trở lại tiêu dùng sữa và sản phẩm từ sữa như bình thường.

Tính tới giữa tháng 9.2008, là thời điểm Trung Quốc chính thức công bố phát hiện có chất melamine trong các sản phẩm sữa tại nước này thì tổng kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam (tám tháng đầu năm 2008) đã đạt trên 356,6 triệu USD. Trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu sữa và các sản phẩm từ sữa vào Việt Nam không có tên các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Hà Lan, New Zealand, Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Ba Lan, Pháp, v.v…

Nhưng tác động lớn!

Dù vậy, sự kiện nhiễm chất độc melamine từ Trung Quốc đã có tác động rất lớn tới thị trường sữa trong nước của Việt Nam. Xuất phát từ tâm lý lo ngại nhất thời của người tiêu dùng và một phần hạn chế trong công tác kiểm tra và công bố chất lượng các loại sữa và sản phẩm từ sữa có mặt trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng trong nước đã cắt giảm chi tiêu cho sữa tươi và các loại sản phẩm từ sữa khác mà không cần phân biệt rõ nguồn gốc, chất lượng của các loại sản phẩm đó. Đó là hành vi bình thường của người tiêu dùng nhưng các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi bò sữa và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trong nước thì đã bị thiệt hại nặng nề bởi không bán được sản phẩm.

Cú “sốc” melamine cộng thêm đợt rét hại hồi đầu năm (làm chết trên 30.000 trâu bò chủ yếu tại các địa phương chăn nuôi bò sữa phía Bắc và miền Trung) càng làm cho nguồn cung sữa nội địa vốn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước trở nên hạn chế. Do vậy, nguồn sữa nhập khẩu càng đóng vai trò quan trọng với thị trường sữa Việt Nam khi nhu cầu của người dân quay trở lại sau thời gian lo ngại ban đầu. Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trước khả năng người tiêu dùng vẫn còn e ngại với sữa có nguồn gốc Trung Quốc, các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu sữa từ các nước khác. Nhưng khi đó người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu một mức giá sữa cao do tác động đồng thời từ nguồn cung trong nước hạn chế, sự cắt giảm nguồn cung từ các nước gần về mặt địa lý như Trung Quốc và sự tăng giá của lương thực – thực phẩm nói chung trên thế giới.



Ngô Vi Dũng
Báo cáo phân tích thị trường