Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Về vấn đề nông sản rớt giá: Không thể mãi sản xuất thô
31 | 10 | 2008
Chỉ trong ít tháng, các mặt hàng nông sản chuyên xuất khẩu như cao su, cà phê, tiêu, điều... đều rớt giá mạnh. Vì sao xảy ra tình trạng trên? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Thịnh - trưởng bộ môn thể chế nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - cho biết:
>> Nông sản rớt giá đồng loạt

- Giá cao su hạ tới 50% so với đầu năm. Giá điều, cà phê, tiêu, đồ gỗ... và nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác đều mất giá thê thảm và rất nhanh. Đến nay, giới chuyên môn cũng chưa thể nhận định chính xác tình hình thị trường của những mặt hàng này. Đây là hiệu ứng chung của tình trạng giá nông sản toàn cầu tụt giảm. Ba lý do chính khiến giá nông sản thế giới đi xuống là suy thoái kinh tế khiến sức mua giảm; giới đầu cơ bán tháo hàng dự trữ và do đồng USD tăng giá nên xu thế nhập khẩu nông sản không được khuyến khích. Hiểu đơn giản là khi mua hàng, nhà nhập khẩu phải dùng nội tệ để mua USD và dùng USD để giao dịch. Nhưng khi USD lên giá, lượng nội tệ dùng để mua USD bị đẩy cao... Ngoài ra còn những tác động khác như giá dầu giảm khiến những mặt hàng nông sản dùng để chế biến dầu cũng phải giảm...

* Suy thoái kinh tế thì khó dự báo nhưng tình trạng đầu cơ trên thị trường thế giới chúng ta có thể biết trước, thưa ông?

- Đã từ lâu thị trường nông sản thế giới hình thành những tập đoàn đa quốc gia. Cho dù lực lượng này có nhiều sự ràng buộc, kiểm soát và chi phối để hướng tới những hoạt động lành mạnh và công bằng, nhưng thực chất vẫn không tránh khỏi sự thiên vị cho những nhóm lợi ích cục bộ hoặc cho những nhà tư bản lớn. Vì vậy khi thị trường biến động thì phần nhiều rủi ro được gạt cho nhà sản xuất và các doanh nghiệp (DN) nhỏ.

Mặt khác về cơ bản, hàng nông sản của VN chỉ tham gia ở khâu ít giá trị gia tăng, rủi ro cao và nhiều lệ thuộc. Cao su, tiêu, cà phê hay điều VN tuy chiếm giữ thị phần xuất khẩu không nhỏ trên thế giới nhưng chủ yếu ở khâu trồng cấy và thu gom sản phẩm thô. Những sản phẩm này được xuất cho các công ty nước ngoài. Họ chế biến, chắt lọc, phân đoạn làm nhiều tầng, thu nhiều khoản lời và đóng nhãn mác của họ bán cho người tiêu dùng. Vì chiếm giữ những phần ít rủi ro, lại nắm được thông tin đầu nguồn nên họ chủ động tránh được thiệt hại. Phần bất lợi đẩy về phía những khu vực sản xuất như nông dân của ta.

Ông Lê Đức Thịnh
* Cụ thể những bất lợi mà chúng ta phải đối mặt là gì, thưa ông?

- Trong xã hội tự cung tự cấp, những biến động thị trường, thậm chí những biến động của toàn nền kinh tế, cũng khó đe dọa được sự sống còn của nông dân. Bởi vì chỉ cần canh tác tốt, nông dân không cần mua bán giao thương cũng có thể sống được nhờ vào sản vật nuôi trồng của mình. Nhưng hiện nay nông sản là sản phẩm hàng hóa và chịu sự chi phối của thị trường chung thì nông dân cũng là thành viên của xã hội thị trường.

Nếu như các lực lượng khác có thể tự bảo vệ được mình bởi những sức mạnh mà họ thu được từ thị trường, thì nông dân lại không thu được nguồn lợi đủ để bảo vệ mình khi rủi ro mà thị trường đem lại. Nói cách khác, nông dân và người làm công ăn lương khi tham gia xã hội thị trường đã trở thành một lực lượng nghèo tiềm tàng vì cơ hội và rủi ro của họ không tỉ lệ thuận.

* Theo ông, các chính sách đối với thị trường trong nước sẽ phải thay đổi như thế nào để đối phó với khó khăn này?

- Hệ thống thị trường nông sản của chúng ta gần như bị tách rời quyền lợi, trách nhiệm giữa nhà sản xuất, tức là nông dân và nhà kinh doanh - các DN thu mua, xuất khẩu. Các DN này thực chất chỉ chọn công đoạn đơn giản nhất trong chu trình phân phối sản phẩm tức là thu mua. Họ có thể sơ chế đơn giản rồi bán sang tay cho các nhà chế biến nước ngoài. Người nông dân gánh chịu các biến động rủi ro của toàn bộ hệ thống vật tư, nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, đất đai, thời tiết... cho ra đời sản phẩm thô với mức lợi nhuận khá thấp.

DN thương mại cơ bản chủ động được giá mua, khối lượng, thời điểm và cả đầu ra. Vì vậy họ có điều kiện và luôn cố thủ một tỉ lệ lợi nhuận. Khi giá đầu ra cao, họ điều chỉnh giá thu mua cao hơn một chút. Nhưng khi giá đầu ra xuống thấp, hàng thừa thì DN thu mua vẫn giữ tỉ lệ lợi nhuận cố định đó, đẩy thiệt thòi về phía nông dân. Nếu khó khăn hơn nữa thì DN “bỏ chạy” mà không tốn kém gì... Tôi không dám khẳng định rằng trong những trận rớt giá nông sản không có hiệu ứng đầu cơ của các DN thu mua trong nước cũng như động thái ép giá của họ.

* Trước những rủi ro của thị trường, theo ông, nông dân cần được bảo vệ bằng cách nào?

- Về căn cơ, các quốc gia phải định hướng xây dựng một nền nông nghiệp bền vững đủ sức tự bảo vệ mình và một lực lượng nông dân có các mối liên kết tốt. Ví dụ nếu kinh doanh cà phê, chúng ta không chỉ thu gom mà cần có một chuỗi công nghệ khác để chế biến cà phê tan, cà phê bột, cà phê nhân, cà phê lạnh, rồi sôcôla... rồi phân phối đến người mua. Làm như vậy ta vừa được nhiều lợi nhuận vừa phân chia được rủi ro, không phụ thuộc quá lớn một thị trường nào. Tất nhiên, lúc này Nhà nước phải xây dựng những chính sách, cơ chế sao cho lợi nhuận được phân chia tương đối công bằng tới các thành viên: sản xuất, chế biến hay phân phối.

Giá nông sản tiếp tục xuống thấp

Ngày 30-10, ông Tạ Quang Huyên, giám đốc Công ty TNHH chế biến hạt điều và xuất nhập khẩu nông sản Hoàng Sơn 1, cho biết: “Hiện nay giá điều tiếp tục xuống mạnh và chỉ giao động từ 4,5-4,7 USD/kg, trong khi đó tuần trước giá đứng ở mức 4,8-5 USD/kg. Theo Sở Công thương Bình Phước, toàn tỉnh hiện có khoảng 180.000ha điều, với sản lượng trung bình khoảng 200.000 tấn hạt thô (chiếm khoảng một nửa sản lượng điều cả nước).

* Trong khi giá điều xuống thấp thì giá cao su cũng không ổn định, xuống khoảng 1 triệu đồng/tấn so với tuần trước. Cụ thể giá thu mua trung bình hiện nay khoảng 27 triệu đồng/tấn.

* Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao VN, giá cà phê trong nước ngày 30-10 giảm 2.500 đồng/kg sau khi giảm 2.300 đồng/kg ngày 28-10 tại Lâm Đồng. Giá cà phê xuất khẩu cũng tăng trở lại mức 1.663 USD/tấn tại thị trường London, tăng 27 USD/tấn so với ngày trước đó.

Theo ông Trần Đức Tụng - chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN, thị trường hạt tiêu trong nước hầu như đóng băng những ngày qua. Hiện mức giá thương lái đưa ra từ 37.000-38.000 đồng/kg nhưng hầu như không có người bán. Giá xuất khẩu tiêu đen khoảng 2.700-2.800 USD/tấn.

Anh Thoa - Trần Mạnh



Xem tin gốc tại đây:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=285636&ChannelID=11


Báo cáo phân tích thị trường