Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mở cửa thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp
01 | 11 | 2008
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú lưu ý các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh và nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp bởi thời điểm Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO đang đến gần.

Phát biểu tại buổi tọa đàm về mở cửa thị trường phân phối, tổ chức sáng 31.10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, việc mở cửa hoàn toàn thị trường phân phối từ 1.1.2009 sẽ tạo điều kiện cho nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài có thế mạnh về tài chính, có phương thức phân phối và quản lý hiện đại, thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Việt nam, góp phần phát triển hệ thống phân phối trong nước.

Tuy nhiên, mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa với việc các tập đoàn nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, được tăng cường đầu tư và mở các cơ sở kinh doanh mới. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Từ thực tế trên, đại diện các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp đã dành phần lớn thời gian trao đổi về các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt nam, về chuẩn bị cơ sở pháp lý phục vụ việc xem xét, cấp phép mở cơ sở bán buôn, bán lẻ, và định hướng phát triển các hệ thống phân phối trong nước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước phát triển nhanh chóng. Năm 2007, tổng doanh thu bán lẻ đạt 44 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái, còn 10 tháng đầu năm nay đạt trên 782.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng siêu thị, trung tâm mại cũng tăng nhanh chóng. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 400 siêu thị, 60 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện ích. Dự kiến đến năm 2010, số siêu thị và trung tâm thương mại sẽ tăng lần lượt là 62,5% và 150%.

 



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường