Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp xuất khẩu càphê xin cứu
04 | 11 | 2008
Trên bình diện quốc gia, Ngân hàng Nhà nước bằng văn bản 09/2008/QĐ-NHNN "cấm cửa" các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ đã giúp giảm nhập siêu, "hạ nhiệt" cơn sốt ngoại tệ.

Tuy nhiên lại nảy sinh bất cập khác. Sau thuỷ sản, đến lượt DN xuất khẩu càphê kêu cứu bởi trong khủng hoảng tài chính thế giới, mùa vụ cận kề nhưng giá "tụt dốc không phanh", khiến DN XK khó khăn tài chính (vì không dám vay VND do lãi suất cao hơn vay ngoại tệ) không dám mua, càphê sẽ tồn ứ trong dân giống như gạo.

Bức xúc

Hôm qua (31.10), tại TPHCM, Hiệp hội Càphê - Cacao Việt Nam (Vicofa) tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ càphê, cacao 2007-2008 và phương hướng cho vụ càphê 2008-2009 đã cận kề. Tuy nhiên, các DN XK tham dự lại chủ yếu bức xúc về việc bị "cấm cửa" vay ngoại tệ để thu mua càphê.

Ông Nguyễn Xuân Hàn (Tổng GĐ Cty CP dịch vụ Phú Nhuận - Maseco) cho hay, lãi suất cho vay USD hiện đang dao động trong khoảng 8% - 9%/năm, trong khi lãi suất vay VND hiện khoảng 17% - 18%/năm. Năm ngoái, vì được vay ngoại tệ, Maseco chỉ phải trả lãi ngân hàng khoảng 16 tỉ đồng cho đầu tư xuất khẩu càphê. Năm nay "nghiến răng" vay VND, lãi suất phải gánh đã gần 30 tỉ đồng.
 
"Chúng ta kêu gọi phòng, chống khủng hoảng bằng giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, thu ngoại tệ về. Vậy với chính sách "cấm cửa" vay ngoại tệ để buộc DN vay VND với lãi suất cao, liệu có mâu thuẫn?" - ông Hàn bức xúc.

Sợ càphê tồn ứ như gạo


Nguy hơn, Tổ chức Càphê quốc tế (ICO) dự báo sản lượng vụ càphê 2008-2009 của thế giới đạt khoảng 131 triệu bao. Nhu cầu tiêu dùng khoảng 128 triệu bao. Cung và cầu gần sát nhau, theo quy luật, giá càphê có thể duy trì ở mức cao. Tuy nhiên lại rơi đúng vào thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới, đã khiến giá càphê dù chưa vào chính vụ, nhưng đã tụt dốc nhanh chóng. Giá trên sàn giao dịch London tính hết ngày 30.10 đã rớt còn 1.645USD/tấn. Giá càphê xô tại Việt Nam lại tụt tiếp hiện chỉ còn 23-24 triệu đồng/tấn mua tại Đắc Lắc, Lâm Đồng. Vậy nhưng các nhà môi giới vẫn e ngại phải đối mặt với viễn cảnh xấu do áp lực mùa vụ lớn đang đến từ Việt Nam và Brazil - hai nước xuất khẩu càphê chủ yếu của thế giới.

Với giá đó, nông dân trồng càphê (chiếm 80% sản lượng) có thể cầm cự nếu không phải vay ngân hàng để đầu tư. Khổ nỗi đa phần dân trồng càphê đều phải cầm cố vay mượn, nên khả năng lỗ phần lãi suất vay là hiển hiện.

Còn DN XK (cả nước khoảng hơn 140 DN xuất khẩu càphê), với giá xuất thấp, lại khó khăn về tài chính do không dám vay VND vì lãi suất cao gấp đôi so với vay ngoại tệ, theo ông Đỗ Văn Nam (Phó Chủ tịch Vicofa) sẽ không dám thu mua cho nông dân. Như vậy dễ dẫn tới nguy cơ càphê tồn ứ giống như gạo. Niên vụ này, dự báo sản lượng càphê Việt Nam khoảng trên dưới 1 triệu tấn.

"Còn nếu thu mua, DN phải tính cả lãi suất vay VND vào giá thành, thì chỉ có nước ép giá nông dân thì mới hy vọng có chút lãi. Mà ép giá thì lại "chết" nông dân! Cái đau khổ nhất của chúng tôi hiện nay là vấn đề ngân hàng như vậy đấy!" - ông Nam nói.

Tiến thoái lưỡng nan

Thực tế, theo đại diện Ngân hàng Techcombank thì đã có một số tổ chức tín dụng "xé rào" cho vay VND với lãi suất cao hơn một chút so với lãi suất ngoại tệ. Tuy nhiên đại diện Techcombank lại đặt câu hỏi với Vicofa: "Nếu cho vay, DN lấy gì để đảm bảo trả khi càphê đang trong bối cảnh rủi ro khá lớn hiện nay, khi càphê đang rớt giá và cơn khủng hoảng tài chính chưa qua?". Quả là khó có câu trả lời!

Một đại diện Cty TNHH một thành viên Thắng Lợi hiến kế, Chính phủ hỗ trợ cho nông dân giữ càphê lại đến khoảng tháng 6-7-8 năm 2009, khi thị trường phục hồi, cơn khủng hoảng tài chính qua đi, bán tất có lời.

Tuy nhiên liệu lúc đó, cái lời có bù đắp nổi lãi suất ngân hàng mà nông dân phải gánh suốt thời gian giữ hàng (?!).

Đại diện Vụ XNK Bộ Công Thương cho hay, trước hội nghị của Vicofa, là hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức, hầu hết các DN XK lớn cũng đều "kêu" về Quyết định 09 của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy bộ sẽ ghi nhận ý kiến các DN để báo cáo Thủ tướng tìm giải pháp.



Nguồn: Laodong
Báo cáo phân tích thị trường