Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hết thừa lại thiếu thịt heo!
06 | 11 | 2008
Tăng thuế để cứu vãn ngành chăn nuôi nhưng sau khi tăng thuế thì không còn heo để bán. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao. Nguy cơ đến Tết, giá thịt heo lại tăng.

Thời gian qua, giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt heo, gà bất ngờ tăng cao do nguồn cung thiếu. Từ đây, nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn cho ngành chăn nuôi khi nguồn cung không ổn định và lo sợ bài toán nhập khẩu phải lặp lại.

Lúc giá tăng không còn heo mà bán

Theo các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm như Phú An Sinh, Vissan... thì nguồn cung thịt heo hiện nay trên thị trường vẫn còn nhiều điều bất ổn. Dự đoán đến Tết, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi sẽ thực sự khan hiếm và giá của các mặt hàng này sẽ bị đẩy lên cao.

Trong mấy ngày qua lượng thịt heo về chợ đầu mối Hóc Môn giảm, chỉ đạt khoảng 215 tấn, trong khi vào thời điểm giữa tháng 9, có ngày khối lượng thịt heo về chợ lên tới 250 tấn.

Ông Văn Đức Mười - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết giá thịt heo suốt tuần qua tăng thêm 22% do nguồn cung về ít. Theo ông, nguyên nhân giá thịt heo tăng là do nhà nước điều chỉnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh khiến các doanh nghiệp bớt nhập về. Bên cạnh đó, lượng thịt heo xuất sang Campuchia đang có chiều hướng tăng, tạo một làn sóng tâm lý nông dân giữ heo lại làm giá.

Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao

Hiện giá nguyên liệu chăn nuôi đã giảm mạnh nhưng đến nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn giảm nhỏ giọt. Mỗi lần giảm, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ giảm vài trăm đồng. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn giảm mạnh, như đậu nành từ 11.000 đồng/kg giảm còn 7.500 đồng/kg; bắp từ 4.800 đồng/kg giảm còn 3.600 đồng/kg; mì lát từ 3.500 đồng/kg giảm còn 2.200 đồng/kg. Theo các chủ chăn nuôi, với mức giảm của giá nguyên liệu thì giá thức ăn chăn nuôi phải giảm trung bình cỡ 1.000 đồng/kg thì mới hợp lý. Về phía doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất lại viện ra lý do trong thời điểm giá nguyên liệu thức ăn tăng cao, họ đã lỡ nhập nhiều hàng nên giờ chưa thể giảm giá thức ăn tương xứng với giá nguyên liệu được.

Trong một hội thảo về chăn nuôi diễn ra gần đây, ông Nguyễn Trí Công - chủ một trang trại nuôi heo với số lượng 4.000 con tại Đồng Nai trăn trở rằng hiện tại phần lớn chủ trang trại làm ăn không có lãi. Các chủ trang trại, đặc biệt là nông dân luôn thua thiệt khi hội nhập với bên ngoài bởi thiếu thông tin, còn trong nước sản phẩm làm ra của nông dân luôn bị tư thương ép giá.

Không chỉ người chăn nuôi được lợi mà ngay cả người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm với giá hợp lý nếu nhà nước có chính sách phù hợp với ngành chăn nuôi. Ảnh: MP

Thiếu lại nhập rồi lại thừa!

Ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh cho biết khi thiếu hàng, cơ quan chức năng giảm thuế cho nhập thịt ngoại về để bình ổn giá thị trường. Tuy nhiên, lợi dụng thuế nhập khẩu giảm một số nhà nhập khẩu đã nhập quá nhiều gây nên dư thừa dẫn đến thực phẩm trong nước rớt giá thê thảm. Kết hợp với giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn cao, nông dân lại phải đành “bán đổ, bán tháo” sản phẩm chăn nuôi để gỡ vốn rồi bỏ trang trại.

Theo ông Minh, biện pháp tăng thuế nhằm cứu vãn ngành chăn nuôi trong nước nhưng thực tế người chăn nuôi không được hưởng vì sau khi tăng thuế họ không còn heo bán. Như vậy, nếu không có biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi thì rất có thể dù tăng thuế nhập khẩu nhưng thị trường lại rơi vào tình trạng thiếu hàng. Một khi thiếu hàng dẫn tới giá bị đẩy lên cao nhưng trong nước người chăn nuôi đã kiệt quệ và không mặn mà với với việc sản xuất, nuôi trồng thì lúc đó lại phải giảm thuế để cho thịt ngoại nhảy vào bình ổn thị trường. Đến khi đó, ngành chăn nuôi lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn thừa rồi thiếu, thiếu lại nhập rồi lại thừa.

Theo ông Minh, để hạn chế việc thiếu thừa, có lẽ cơ quan quản lý liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp cần học theo cách làm của TP.HCM khi triển khai chương trình dự trữ hàng Tết. Bởi ở đây, Sở Công thương TP.HCM và thành phố đã có những hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp để tham gia bình ổn như nguồn nguyên liệu, con giống cho chăn nuôi, hỗ trợ vốn, lãi suất cho các hộ chăn nuôi.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường