Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thép: Điêu đứng với giá!
07 | 11 | 2008
Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang tạm dừng mua nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và có xu hướng “bắt tay” để giữ giá thép thành phầm khỏi tụt sâu…Tháng 7 vừa qua, giá phôi thép chào vào Việt Nam lên tới mức đỉnh cao với 1.150 - 1.200 USD/tấn. Không có một hợp đồng nào được ký kết, bởi không ít doanh nghiệp sản xuất phôi còn đang bận… tái xuất khẩu lượng phôi đã nhập trước đó với giá rẻ để kiếm lợi tức thì.

Gió đổi chiều liên tục!

Tháng 7 vừa qua, giá phôi thép chào vào Việt Nam lên tới mức đỉnh cao với 1.150 - 1.200 USD/tấn. Không có một hợp đồng nào được ký kết, bởi không ít doanh nghiệp sản xuất phôi còn đang bận… tái xuất khẩu lượng phôi đã nhập trước đó với giá rẻ để kiếm lợi tức thì.

Nhưng chả thể trách được họ khi thị trường trong nước không còn giữ được nhịp độ sôi động như trước thời điểm kinh tế khó khăn. Nhiều công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ, các công trình đang được thi công còn bận giải trình phần chi phí tăng thêm hoặc đang chờ rót thêm tiền chênh lệch do vật tư tăng giá. Thị trường thép trở nên lạnh lẽo đột ngột khiến các doanh nghiệp thép hoặc phải dừng cán sản phẩm hoặc phải tìm đường xuất khẩu phôi thép để hoàn vốn.

Lo ngại sẽ diễn ra làn sóng “xuất khẩu phôi thép” dẫn tới thiếu thép cho các công trình trong dịp cuối năm nếu “băng tan” trong xây dựng cơ bản và nhất là e ngại giá phôi thép thế giới còn tiếp tục lên, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã nhanh chóng thống nhất ban hành mức thuế 10% và sau đó tăng lên 20% đối với phôi thép xuất khẩu nhằm hạn chế việc xuất khẩu phôi.

Thế rồi, trái với các dự đoán về xu thế tăng giá, thị trường thép trong nước và quốc tế đã có dịp chứng kiến pha “đảo chiều” ngoạn mục. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, giá phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam nay chỉ còn 650 USD-700 USD/tấn. Điều này khiến cho các doanh nghiệp đã trót nhập khẩu phôi với giá 800-900 USD/tấn lao đao vì xuất khẩu vẫn còn phải chịu 20% thuế, trong khi thị trường xây dựng trong nước vẫn đóng băng.

Hỗ trợ thế nào?

Mặc dù thuế xuất khẩu phôi thép đã được các cơ quan quản lý hạ từ 20% xuống còn 10% và hiện tại là 5%, song xem ra cũng không giúp ích được nhiều cho các doanh nghiệp thép bởi khách hàng vẫn có tâm lý “chưa tới đáy” nên chưa dám mua.

Bản tin đầu tháng 10 của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) còn cho hay, giá thép xây dựng ở Trung Quốc đã giảm 20% và tại Nhật là 12,5% trong 3 tháng qua. Xu hướng giảm giá dường như chưa dừng lại trong thời gian tới, bởi 25 nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc mới đây vừa quyết định hạ giá thép kỳ hạn tháng 11/2008 thêm 73,28-117,25 USD/tấn. Ngay thép phế - nguyên liệu để làm phôi - cũng có giá giao dịch giảm tới gần một nửa trong thời gian từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, chưa cần tới sự tác động của giá thép thế giới nhập khẩu giảm, thị trường trong nước cũng đã có sự giảm sút mạnh do các biện pháp thặt chặt quản lý tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, thị trường bất động sản gần như đóng băng. VSA cho hay, mức tiêu thụ thép xây dựng cả nước từ khoảng 300-350 nghìn tấn/tháng đã giảm xuống còn 299 nghìn tấn trong tháng 6 và tiếp tục giảm xuống còn 250 nghìn tấn trong tháng 7. Trái với xu hướng thông thường hàng năm, trong tháng 8, mức sụt giảm còn lớn hơn với lượng tiêu thụ chỉ là 110 nghìn tấn và trong tháng 9 khoảng 120 nghìn tấn.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho hay, do tiêu thụ chậm, tồn kho sản phẩm lớn, các công ty cán thép tạm ngừng mua phôi, các công ty sản xuất phôi thép không bán được ở trong nước nhưng xuất khẩu thu hồi vốn thì lại không thể, vì thuế suất thuế xuất khẩu 20% mới chỉ hạ xuống 10% vào gần cuối tháng 9 và sang tháng 10 mới hạ tiếp xuống còn 5%. Điều này đã khiến một số công ty phải ngừng sản xuất từ đầu tháng 9 như thép Việt Ý, Nasteel, SSE, Vạn Lợi hoặc sản xuất cầm chừng như VPS, Vinakyoei, Hòa Phát, Thép Việt…

Hiện tại, lượng tồn kho của phôi thép đã lên tới hơn 500 nghìn tấn; còn tồn kho thép sản phẩm cũng lên trên 400 nghìn tấn. Con số này được ông Cường cho là “hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu thép xây dựng cả nước trong quý IV năm nay”. Chính vì vậy, VSA và các doanh nghiệp ngành thép đã khẩn cấp đề nghị Bộ Tài chính hạ thuế xuất khẩu phôi thép xuống 2% (như trước khi thị trường thép thế giới lên cơn sốt) và lâu dài là xuống 0%.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Vạn Lợi cho hay, kể cả hạ thuế xuất khẩu xuống 0% thì các doanh nghiệp sản xuất phôi vẫn bị lỗ bởi giá phôi trên thế giới hiện đã xuống dưới 700 USD/tấn trong khi các doanh nghiệp mua trước đây cũng phải 800 USD/tấn.

Các doanh nghiệp cũng cho hay, vẫn biết là lỗ nhưng nếu thuế xuống 0% thì phải cố gắng bán ra vì “càng để lâu càng chết” do khoản vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con. Trong lúc chưa có biện pháp nào hay hơn thì các doanh nghiệp thép đã đồng loạt dừng mua nguyên liệu phôi thép, phế liệu, gang và ferro, tiếp tục cắt giảm sản xuất.

 



Nguồn: DDDN
Báo cáo phân tích thị trường