Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy hải sản chế biến: Trầy trật trở lại thị trường nội địa
07 | 11 | 2008
Như đã thành thói quen, khi hỏi đến thị trường nội địa, doanh nghiệp nào cũng nhận xét: “nhiều tiềm năng, rất khả quan bởi đây là thị trường trên 80 triệu dân...”. Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn chưa được doanh nghiệp đầu tư đúng mức, và khi xuất khẩu không được thì “cái phao” nội địa khó đủ sức nâng đỡ
Con cá tra lận đận ở thị trường xuất khẩu cũng đã trở về với người tiêu dùng trong nước. Một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa cá tra về thị trường nội địa là công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang. Bà Huỳnh Thị Thanh Giang, phó tổng giám đốc công ty, cho biết, doanh thu thị trường nội địa của công ty năm 2008, dự kiến đạt 90 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không như mong đợi

Tuy từ chối thông tin về tỷ lệ tiêu thụ ở thị trường nội địa so với xuất khẩu, nhưng bà Giang cũng thừa nhận, “tiêu thụ nội địa còn khá khiêm tốn so với tổng doanh số của công ty”. Vì trung bình mỗi năm công ty phải chi đến 30 tỉ đồng để quảng bá sản phẩm cá tra chế biến ở thị trường nội địa, từ tham dự hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, quảng cáo cho đến tuyển người… có kiến thức chuyên môn về con cá tra để “thuyết phục” người tiêu dùng.

Ông Diệp Nam Hải, phó giám đốc công ty cổ phần thực phẩm Cholimex cũng thừa nhận, dù doanh số của thị trường nội địa tăng mỗi năm khoảng 20%, đã đạt khoảng 2 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ nội địa của hơn 20 sản phẩm thuỷ hải sản chế biến đông lạnh của Cholimex chỉ chiếm 10%, 90% sản phẩm vẫn dành cho xuất khẩu.

Tương tự, công ty cổ phần kinh doanh thuỷ hải sản Sài Gòn (APT) chuyên kinh doanh các mặt hàng cá hộp, hàng thuỷ hải sản đông lạnh, các loại cá biển tươi sống, doanh số ở thị trường nội địa chỉ đạt khoảng 3 tỉ đồng/tháng. Trong số này, lượng hàng đông lạnh qua chế biến của công ty vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó giám đốc công ty cho biết, công ty phải tăng lượng cung cấp các sản phẩm thuỷ sản tươi sống cho người tiêu dùng, thông qua các đại lý phân phối ở các chợ thuỷ hải sản. Do người tiêu dùng vẫn “khoái” những sản phẩm cá, mực, tôm tươi sống hơn là đông lạnh.

Mức tiêu dùng thuỷ sản bình quân của người Việt Nam đối với thành thị 18kg/người/năm; đối với nông thôn 10 – 12kg/người/năm. Vì là quốc gia đang phát triển, tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần nhiều cũng là một trở lực để các sản phẩm đông lạnh phát triển ở thị trường nội địa. Theo tổ chức Lương nông thế giới (FAO), ở các nước đang phát triển mức tiêu thụ thuỷ sản cao nhất là các mặt hàng tươi sống chiếm 65,6%, tiếp theo là thuỷ sản đông lạnh khoảng 18,4%, các sản phẩm chế biến bảo quản 8,6% và đóng hộp là 7,4%. Ngược lại, ở các nước phát triển, mức tiêu thụ các thuỷ sản đông lạnh lớn nhất đạt mức 54,7%, các sản phẩm đóng hộp đạt 25,7%, các sản phẩm bảo quản chế biến tiêu thụ đạt mức 12,2%, còn lại là sản phẩm tươi (6,2%).

Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp kinh doanh hàng thuỷ sản nội địa đang gặp phải là sức mua các mặt hàng thuỷ sản đang giảm do người tiêu dùng đang dè xẻn chi tiêu. Ông Sơn cho biết, sức mua ở thị trường nội địa những tháng gần đây đã giảm trung bình 10% so với bình thường. Trong khi đó, bà Giang lo ngại mục tiêu đạt 90 tỉ doanh thu ở thị trường nội địa có nguy cơ “phá sản”, do sức mua giảm.

Khó vì sao?

Khó khăn đầu tiên vẫn do đầu tư chưa đúng mức. Sản phẩm đông lạnh được tiêu thụ chủ yếu qua kênh siêu thị tập trung ở các tỉnh thành phố lớn. Các sản phẩm không thể vào chợ, kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay, bởi ở chợ không được đầu tư phương tiện bảo quản các sản phẩm đông lạnh. Còn sản phẩm tươi sống, các chủ vựa cá tư tỏ ra chiếm ưu thế nhờ có tổ chức chặt chẽ đến từng điểm bán lẻ. Các đơn vị xuất khẩu gần như ngoài cuộc.

Một lý do khiến các doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức cho sân nhà là giá hàng thuỷ sản xuất khẩu thường cao hơn tiêu thụ nội địa. Đơn cử, giá cá viên tra tẩm bột xuất khẩu ở mức từ 2,7 – 3 USD/kg. trong khi thị trường nội địa chỉ ở mức 35.000 đồng/kg.

Ông Phùng Quốc Mẫn, tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Sài Gòn (Sexprodex Sài Gòn) cho hay: “Biết là tiềm năng, nhưng thị phần trong nước đã được các doanh nghiệp đi trước chiếm lĩnh. Doanh nghiệp đi sau càng khó khăn hơn”. Điều khó nhất để thành công ở thị trường trong nước là xây dựng hệ thống phân phối tốt. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu do theo thói quen làm theo đơn đặt hàng và có bạn hàng lâu năm mua sẵn, nên lúng túng khi muốn mở rộng thâm nhập thị trường nội địa.

Ông Diệp Nam Hải, phân tích thêm rằng, doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu, họ chỉ làm theo đơn đặt hàng của những đối tác nước ngoài, nên mọi việc dễ dàng hơn. “Nếu tính chi phí chế biến, bảo quản, vận chuyển, giá thành của những sản phẩm đông lạnh cao hơn sản phẩm tươi sống đến 30%”, ông Hải nói. Và khi đi chợ bà nội trợ sẽ ưu tiên chọn những sản phẩm thuỷ hải sản tươi sống có giá rẻ và tươi ngon hơn.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường