Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Miền Trung: Đìu hiu vùng mía
08 | 11 | 2008
Từ trước những năm 2000, trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, cây mía gần như thống trị trên các đồng ruộng. Nhà nhà trồng mía đã đem lại cho nhiều người từ đói nghèo lên đủ ăn, làm giàu. Những tưởng, cùng với việc hàng loạt các nhà máy đường “bung” ra ồ ạt, cây mía sẽ là cây chủ lực, gắn bó lâu dài, mật thiết với người nông dân. Vậy nhưng, trước tình trạng giá mía rẻ như... “bèo”, đã khiến người nông dân khu vực này gần như quay lưng lại với cây mía, thay vào đó là các loại cây nguyên liệu khác như mì, keo lai...
Thu hẹp diện tích

Vụ mía năm 2008 - 2009, 14 nhà máy đường khu vực miền Trung - Tây Nguyên chỉ sở hữu 67.507ha mía, giảm nhiều so với vụ trước... Nếu tính bình quân mỗi ha mía năng suất khoảng 50 tấn (Quảng Ngãi) thì sản lượng mía của vụ tới đây mất đến 230.000 tấn mía, coi như mất hẳn sản lượng của một nhà máy đường “có cỡ”! Một câu hỏi vẫn thường nóng lên qua các cuộc họp bàn về cây mía là vì sao diện tích mía giảm? Sơn Tịnh, huyện trọng điểm mía của tỉnh Quảng Ngãi trong niên vụ 2003 - 2004 có hơn 1.050ha được phủ mía, thì niên vụ 2007 - 2008 chỉ còn khoảng 500 ha, kể cả các vùng mía tập trung vừa được quy hoạch… Nguyên nhân, theo ông Đặng Văn Phước, xã Tịnh Hà: từ 1,5ha mía vụ ép vừa qua, công xá tăng vùn vụt, mà giá mía chỉ xê dịch từ 350 - 450 đồng/kg.

Bình quân mỗi sào bón tới 250.000 đồng tiền đạm, cộng 10 công chăm sóc, cộng thêm 400kg mía giống để thu 3 tấn mía, hỏi lấy đâu ra lời? Nông dân ào ạt trồng mì, vùng nguyên liệu mía mất, chính quyền các địa phương vẫn không thể can thiệp, bởi không ai có thể phủ nhận chuyện “1 mì hơn 2 mía”. Lúc cao điểm, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) có đến 4.000ha mía. 3 năm trở lại đây diện tích cây mía giảm mạnh, hiện chỉ còn 869 ha. Còn xã Bình Quí, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) từ 650ha vào cuối năm 1999, đến nay diện tích trồng mía chỉ còn 146 ha...

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, từ chủ trương phát triển vùng nguyên liệu, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, tỉnh đã phát động chương trình “Năm nguyên liệu” liên tiếp trong 3 năm từ 2001 - 2003 với gần 7.000ha trồng mía. Đây được coi là động lực chính để Quảng Nam triển khai đề án phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Thế nhưng, do nhà máy thu mua giá rẻ mạt, nhiều khi tiền bán mía không đủ để chi phí đốn chặt, vận chuyển nên nông dân bỏ mía, hiện toàn tỉnh chỉ còn trên 1.000 ha. Trong cơn lốc của mía đường, năm 1995, dự án phát triển nhà máy đường và xây dựng vùng nguyên liệu mía 8.000ha của tỉnh Quảng Trị ra đời tại huyện miền núi Hướng Hóa với tổng nguồn vốn đầu tư 44,308 tỷ đồng. Chưa đầy 1 năm sau, tỉnh hủy bỏ dự án. Sau 13 năm, thay vào những vạt đồi mía là cảnh đìu hiu buồn bã bởi không khí nợ nần phủ trùm trong nhiều hộ gia đình.

Tranh giành vùng nguyên liệu

Khi diện tích giảm, kéo theo sản lượng mía giảm, công suất nhiều nhà máy lại “phình” ra, hệ quả tất yếu là các nhà máy đường (NMĐ) một số đóng cửa, số sản xuất cầm chừng, số lại tranh giành vùng nguyên liệu nên “cuộc chiến” mía đường nhiều lần đã diễn ra tại miền Trung - Tây Nguyên, gây thiệt hại tiền của nhà nước và mất lòng tin nơi người trồng mía vì bị chính nhà máy bỏ rơi. Bài học từ NMĐ Quảng Nam vẫn còn nóng hổi khi bị đem rao bán tháo với giá 68 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 tổng giá trị đầu tư (364 tỷ đồng). Nhưng có lẽ cái mất lớn nhất mà dự án này gây nên không thể tính toán được là mất lòng tin với người trồng mía. Ông Đinh Văn Phước, ở thôn 2, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình nhớ như in mình đã “chết” do “bị lừa” bởi NMĐ.

“Theo sự vận động của chính quyền, ngành nông nghiệp, có hợp đồng với NMĐ hẳn hoi, trong 2 năm 2002 - 2003, chúng tôi trồng mía trên diện tích đất 10ha, sản lượng khoảng 500 tấn mía nguyên liệu; tuy nhiên, công ty chỉ thu mua được 120 tấn, còn lại thì bỏ mặc. Chúng tôi phá sản vì mất tiền, công sản xuất, mất cả khả năng tái sản xuất, nhưng không hề được hỗ trợ gì, lại còn bị NMĐ lừa. Nay thì nhà máy phá sản, còn trồng mía làm gì nữa? Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Không ít nông dân kỳ vọng vào NMĐ, nhưng đổi lại là bị phá sản, niềm tin của nông dân đối với NMĐ đã sụp đổ”.

Vụ mía đường năm 2007, tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Gia Lai, tình trạng tranh mua nguyên liệu mía diễn ra gay gắt. NMĐ Bình Định thì đá “lấn sân” qua huyện Đồng Xuân (Phú Yên), còn NMĐ An Khê (thuộc Công ty đường Quảng Ngãi) thì lại “đánh lén” qua vùng nguyên liệu Tây Sơn của NMĐ Bình Định. Trước tình trạng đó, NMĐ Đồng Xuân (Phú Yên) đã có đơn lên Bộ NN-PTNT.

Chưa kịp giải quyết xong vụ tranh mua nguyên liệu này thì Bộ NN-PTNT lại tiếp tục nhận được khiếu nại của Công ty đường Bình Định về việc NMĐ An Khê thu mua mía ngay tại huyện Tây Sơn - nơi đặt NMĐ Bình Định. Trước tình hình “chảy máu” nguyên liệu, các công ty đường... hứa sẽ nâng giá sàn thu mua mía cây chữ đường 10, nhưng loại này cũng chỉ chiếm 60% diện tích.

Nhìn lại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nông dân ít “hớn hở” khi nói về cây mía, bởi hiện nay năng suất mía cứ lẹt đẹt 50 tấn/ha như mấy chục năm qua. Trong khi giá phân bón tăng, đường nhập lậu không giảm, lại thêm nhà máy mì mọc lên như nấm, giờ thêm nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học nữa, cây mía sắp giã biệt nông dân một số tỉnh miền Trung là chuyện không quá xa vời.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường