Cuối tháng 10/2008, giá thóc gạo của nước ta tiếp tục giảm khá mạnh. Tại ĐBSCL, giá thóc giảm 800 đ/kg so với tuần trước đó, xuống còn 3.400-3.500 đ/kg, giá gạo nguyên liệu loại I giảm 300 đ/kg, xuống còn 5.200 đ/kg, loại II giảm 700 đ/kg, xuống còn 4.500 đ/kg, gạo thành phẩm 5% giảm 800 đ/kg, xuống còn 5.700 đ/kg, gạo 10% giảm 900 đ/kg xuống còn 5.400 đ/kg, gạo 25% giảm 300 đ/kg xuống còn 4.800 đ/kg, gạo thường giảm 500 đ/kg xuống còn 6.000 đ/kg.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, trong 20 ngày đầu tháng 10/2008, cả nước đã xuất khẩu được 212 nghìn tấn gạo với trị giá 100 triệu USD. Tính đến hết thời điểm nói trên, cả nước đã xuất được 3,948 triệu tấn gạo với trị giá 2,546 tỉ USD, giảm 7,29% về lượng nhưng vẫn tăng tới 85,77% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng chung xu hướng giảm mạnh vào cuối tháng 10 vừa qua, trên thị trường Thái Lan giá gạo xuất khẩu của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu giảm xuống còn 550 USD/T, giảm 8,33% so với tuần trước đó, gạo 25% giảm xuống còn 560 USD/T.
Dự báo: giao dịch gạo trên thị trường thế giới trầm lắng, nguồn cung gạo từ Thái Lan và Việt Nam lại khá dồi dào. Vì vậy, giá gạo trên thị trường thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 11/2008.
ASEAN thông qua kế hoạch hành động mới về gạo.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua kế hoạch hành động mới về gạo do Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đề xuất nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lúa gạo toàn cầu.
Nội dung kế hoạch gồm bảy điểm: Tiến hành một cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách về năng suất; phổ biến các công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm thiểu thất thoát sản lượng, tăng cường quảng bá và đưa vào sử dụng các giống lúa năng suất cao, tăng cường sử dụng các giống lúa lai có khả năng chống sâu bệnh tốt; đẩy mạnh nghiên cứu hàng nghìn giống lúa của thế giới để các nhà khoa học có thể tận dụng các nguồn gien chưa được khai thác, hỗ trợ chính sách phát triển lúa gạo.
Tổng giám đốc IRRI, tiến sĩ Robert S. Zeigler cho biết để thực thi kế hoạch này, IRRI cần nguồn tài chính bổ sung khoảng 15 triệu USD/năm trong vòng 10 năm tới.
Do nguồn cung gạo trong nước khá dồi dào và sắp bước vào vụ thu hoạch chính, chính phủ Thái Lan dự định sẽ đến Iran vào tháng 11 tới nhằm thảo luận cụ thể kế hoạch đổi gạo lấy dầu. Đồng thời, Thái Lan cũng sẽ tiếp tục thảo luận với Iran về thoả thuận bán gạo cấp chính phủ.
Iran hiện là một trong những khách hàng quan trọng của Thái Lan, mỗi năm Iran mua khoảng 1 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 600.000 tấn từ Thái Lan. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Iran mới mua khoảng 60.000 tấn gạo từ Thái Lan.