Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lo ngại nông dân đổ xô trồng lúa thơm
13 | 11 | 2008
Hiện nay mỗi ngày tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) có hơn 1.000 tấn lúa thơm từ Campuchia ùn ùn đổ sang. Do nhiều người tiêu dùng ưa chuộng gạo thơm, nhưng trong vụ mùa vừa qua nông dân ĐBSCL chỉ tập trung trồng lúa cao sản IR 50404, 3217… để xuất khẩu nên mới sinh ra tình trạng này.
Thực ra, nông dân cũng đã thấy nhu cầu lúa thơm cho thị trường nội địa - nhất là khi vừa qua lúa IR 50404 bị doanh nghiệp xuất khẩu ngưng mua, nên hiện nay đang xuất hiện trào lưu mới là xuống giống lúa thơm.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ cho biết, công ty đang có kế hoạch tăng lượng tiêu thụ nội địa với loại gạo thơm làm chủ lực.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cũng thừa nhận, nhiều nông dân đang khá hăm hở với lúa thơm. Nhưng đây lại là thông tin đáng lo ngại - ít nhất là trong thời điểm này. Chính ông Khải cũng lo lắng: “Nhiều vùng đang chuyển sang xuống giống lúa thơm, không khéo sắp tới lại vướng!”.

Lý do là gạo thơm của Việt Nam không thể cạnh tranh với gạo thơm Thái Lan - vốn có thương hiệu, nên rất khó đẩy mạnh lượng xuất khẩu. Những năm gần đây, nhiều nhất thì các doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất được hơn 100.000 tấn/năm (tính cả nếp) - chỉ chiếm hơn 2% sản lượng xuất khẩu.

Giả như nông dân đều trồng gạo thơm, làm sao thị trường nội địa - vốn có giới hạn, có thể “ngốn” hết và lượng gạo thừa biết bán cho ai?

Mặt khác, theo tiến sĩ Bảnh, lúa thơm có năng suất thấp hơn các giống lúa khác (cao nhất chỉ đạt 6 tấn/héc- ta) và đáng lo nhất là dễ nhiễm sâu bệnh. Lúa thơm lại thường chỉ cho gạo ngon khi được trồng ở vùng ven biển, nước lợ… Như giống lúa thơm ST 3, ST 5… của Sóc Trăng, nếu đem giống về vùng khác trồng thì cho gạo có chất lượng kém xa!





Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường