Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo hiểm nông nghiệp: Phải chờ ít nhất 5 năm
15 | 11 | 2008
Mỗi lần mưa lũ, hạn hán... càn quét, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp lại được nhìn thấy như một lỗ hổng lớn. Chủ trương về bảo hiểm nông nghiệp đã có, nhưng cái khó là việc triển khai. Việc này lâu nay vẫn ì ạch và hầu như chưa làm được.
Xung quanh vấn đề này, PV VietNamNet đã trao đổi với Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc, và ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT).

Ông Phùng Đắc Lộc (Ảnh: LAD)
Chưa thấy bóng dáng Bộ NN-PTNT

- Thưa ông, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp lâu nay vẫn giậm chân tại chỗ, và cứ khi có thiên tai, lũ lụt, người ta lại nhắc đến như một lỗ hổng lớn. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Bà con nông dân đã quen với sự bao cấp của Nhà nước, làm cái gì, sản xuất ra sao, thu hoạch thế nào cho đến cả thiệt hại đều trông chờ vào Nhà nước. Bây giờ sản xuất theo cơ chế thị trường, tự nông dân phải quyết định và chấp nhận rủi ro, biết được rủi ro và nếu thấy nó vượt quá khả năng của mình thì phải mua bảo hiểm.

Thực ra, nông dân rất ít khi nghĩ đến mua bảo hiểm, kể cả tuyên truyền vận động họ cũng khó.

Mặt khác, giá cả lương thực thực phẩm bấp bênh, lúc lên lúc xuống. Lĩnh vực khác, sản xuất ra là biết lãi lỗ, ít nhất là chi phí bao nhiêu, lời lãi thế nào, còn nông dân thì không nhìn được kết quả, có thể được có thể mất, bởi nhiều khi được mùa lại rớt giá. Vì thế, bà con không thể làm chủ được kinh tế, phó mặc cho thiên nhiên, thị trường.

Bên cạnh đó, sản xuất quy mô manh mún quá DN cũng không dám bảo hiểm. Nếu sản xuất lớn, đầu ra ổn định người ta sẽ tính được thu nhập là bao nhiêu từ bằng này diện tích, từng này vật nuôi, từ đó sẽ trích một phần lợi nhuận để mua bảo hiểm.

- Nhưng Việt Nam thiên tai nhiều, trong khi nội lực của nông dân có hạn và chỉ trông chờ vào vài sào lúa, luống rau, con lợn... thì bắt buộc Nhà nước phải tham gia mua bảo hiểm để hỗ trợ bà con, không bằng cách này thì cách khác?

- Nói chung không thể bắt Nhà nước tham gia được, bởi nền kinh tế của ta nông nghiệp là chính, trong khi thu ngân sách còn hạn hẹp.

Nguyên tắc bảo hiểm là số đông tham gia, bù cho số ít bị thiệt hại. Nếu ít người tham gia bảo hiểm nữa thì làm sao lấy được số đông? Cách đây 20 năm, chúng tôi đi khảo sát bảo hiểm nông nghiệp. Khi đó HTX nông nghiệp đứng ra nên làm bảo hiểm rất dễ. Ông chủ nhiệm HTX quyết định mua bảo hiểm là xong.

Kể cả thiên tai xảy ra, ngay trong một xã không phải tất cả đều bị thiệt hại mà có vùng thấp vùng cao. Vấn đề là có HTX, việc đánh giá, giám sát thiệt hại sẽ dễ dàng hơn.

TIN LIÊN QUAN
Do vậy, muốn làm bảo hiểm nông nghiệp cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, như chính quyền các địa phương, mặt trận, hội phụ nữ, hội nông dân... Thời gian qua, trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý về nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) còn mờ nhạt. Cơ quan này cần tham mưu, kiến nghị Chính phủ có chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.

- Để phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá Việt Nam có thể mất 10-15 năm nữa, trong thời gian đó nông nghiệp vẫn phải hứng chịu rủi ro và bà con nông dân lại chịu thiệt do không được bảo hiểm?

- Đúng vậy, con đường không có gì khác cả vì chúng ta muốn làm nhưng khả năng không thể thì chịu. Hai cái đó là mâu thuẫn. Nhu cầu cần thiết là bảo hiểm, nhưng khả năng đóng tiền bảo hiểm có hay không? Nếu nông dân tính rằng bỏ ra chi phí 100 triệu đồng cho 1 sào khoai tây thu được 120 triệu đồng, lãi 20 triệu, lúc đó họ mới sẵn sàng trích ra một phần để mua bảo hiểm.

Phải mất ít nhất 5 năm nữa

- Nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn Nhà nước tham gia vào hoạt động bảo hiểm nông nghiệp, ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn. (ảnh nongnghiep.vn)

- Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn: Sản xuất nông nghiệp nước ta thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, với tần xuất ngày càng cao. Việt Nam còn là một trong 5 nước bị tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặt khác, khi hội nhập kinh tế quốc tế, trình độ nông nghiệp nước ta thấp, phần lớn nông sản cạnh tranh yếu cũng sẽ gặp rủi ro không nhỏ.

Mục đích của chúng ta là hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, nghĩa là phải sản xuất quy mô lớn, đầu tư chiều sâu, nếu có bảo hiểm sẽ giảm bớt rủi ro và mới động viên được DN dám bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp. Lâu nay, khi gặp thiên tai, Nhà nước vẫn hỗ trợ một phần thiệt hại cho nông dân, ngân sách bỏ ra không nhỏ nhưng người dân chẳng được bao nhiêu.

Do vậy, cần phải giúp nông dân tham gia đóng bảo hiểm để họ có trách nhiệm cao hơn trong sản xuất và khi rủi ro họ sẽ được được bồi hoàn xứng đáng.

- Ở nước ta đã có nơi nào thực hiện bảo hiểm nông nghệp chưa, thưa ông?

- Ở nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển, nông dân tham gia bảo hiểm là chuyện thường, Tuy nhiên, với Việt Nam vấn đề này còn rất mới mẻ. Vừa rồi trong Đề án Tam nông, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị cần có chính sách bảo hiểm cho nông dân.

Mới đây nhất, tại Nghị quyết 24 NĐ-CP ngày 28/10 về Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT triển khai Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, trình Chính phủ trong quý II/2009.

- Theo ông, nếu triển khai đề án này, bảo hiểm nông nghiệp sẽ bắt đầu từ đâu?

- Theo tôi, trước hết nên bắt đầu từ các trang trại, vùng chuyên canh. Những đối tượng này có đầu tư lớn, trình độ nhất định, quy mô sản xuất tương đối lớn, sẵn sàng áp dụng kỹ thuật. Họ cũng tuân theo quy trình kỹ thuật tốt, quản lý tốt hơn, bảo hiểm dễ kiểm soát.

Bảo hiểm nông nghiệp có thể áp dụng nhiều hình thức: Bảo hiểm toàn phần, bảo hiểm từng phần. Cũng có loại bảo hiểm tự nguyện nhưng có loại phải bắt buộc. Tôi nói cần bắt buộc là vì quy mô trang trại 30 tỷ, họ phải đi vay 20 tỷ, nếu rủi ro không chỉ họ thiệt mà kéo theo nhiều hệ lụy khác. Tuy nhiên, phải xây dựng được tương đối đủ các điều kiện đảm bảo, làm thử nghiệm rồi mở rộng cho chắc.

Đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngành nông nghiệp thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng (ảnh cánh đồng lúa ngập nước ở Bắc Ninh - do bạn đọc cung cấp).

- Vậy vai trò của Nhà nước ở đây như thế nào? Bao giờ thì bảo hiểm nông nghiệp mới có thể triển khai trên thực tế?

- Nhà nước chỉ nên xây dựng hành lang pháp lý, nếu có hỗ trợ DN và người dân tham gia bảo hiểm thì cũng chỉ thời gian đầu, có tính chất đón đầu, còn lại phải để DN bảo hiểm làm với nông dân (DN bảo hiểm có thể của Nhà nước hoặc công ty ngoài Nhà nước). Nhà nước không nên bao cấp lĩnh vực này.

Đây là vấn đề mới ta chưa có kinh nghiệm nên dự đoán chính xác hiện thực là khó. Với đặc thù của nước ta, tôi nghĩ là phải một số năm nữa mới có hiện thực, khoảng 5 năm.

- Theo ông, Việt Nam cần những điều kiện nào để hoạt động bảo hiểm nông nghiệp có thể tồn tại được?

- Chủ trương bảo hiểm nông nghiệp là đúng nhưng làm thế nào, bắt đầu từ đâu đang là bài toán khó. Chúng ta chưa có kinh nghiệm (không chỉ bê kinh nghiệm nước ngoài là xong) do sản xuất nông nghiệp có đặc thù riêng, nông dân có đặc thù riêng, luật pháp về vấn đề này chưa đầy đủ nên không thể áp dụng hoàn toàn cách làm của các nước.

Nếu làm, chúng ta phải xây dựng các điều kiện như quy mô sản xuất thế nào? Áp dụng với loại sản phẩm gì? Quy trình sản xuất ra sao? Hệ thống nào để giám sát quá trình sản xuất cơ bản? Hệ thống nào để đánh giá nhanh, khách quan khi xảy ra rủi ro? DN làm bảo hiểm phải có vốn, đội ngũ cán bộ ra sao mới được làm? Khi có vi phạm chế tài xử phạt như thế nào? Chính sách hỗ trợ của Nhà nước ra sao để khuyến khích DN làm bảo hiểm với nông dân. Đó là những vấn đề phải làm rõ để DN vững tâm làm, người dân tin tưởng tham gia.



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường