Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân biết chọn giống lúa nào?
18 | 11 | 2008
Việc chọn giống lúa nào cho vụ đông xuân 2008- 2009 để có hiệu quả, dễ bán là câu hỏi khó đối với không ít nông dân - những người cả đời gắn bó với cây lúa.
Quay lưng với 504?

Chỉ còn vài ngày nữa, vụ đông xuân ở ĐBSCL đã đồng loạt xuống giống, nhưng vẫn còn nhiều nông dân đang phân vân chưa biết nên chọn giống lúa nào.

Ông Sáu Đức, người có đến 700 công ruộng (10 công bằng 1 ha) ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) kể năm rồi, ông làm giống IR 50404 (gọi tắt là 504) bị thua đậm nên năm nay ông chuyển hết diện tích sang sản xuất các giống lúa hạt dài, ngon cơm như OM 6561, IR 494... Đặc biệt, năm nay ông mạnh dạn ký hợp đồng sản xuất 10 ha lúa Nhật (được cung cấp giống, kỹ thuật sản xuất và được bao tiêu với giá 7.800 đồng/kg lúa).
Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty TNHH Mekong Cần Thơ, cho rằng gạo thơm, chất lượng cao dù là nhu cầu lớn của người tiêu dùng khi kinh tế phát triển, nhưng trước mắt, cần phát triển diện tích vừa phải nhằm đảm bảo giá cả hợp lý để người sản xuất có lãi. Về lâu dài, các cơ quan nghiên cứu về khoa học cần nghiên cứu phục hồi các giống lúa truyền thống của VN như Nàng Hương, Trắng Tép, Tài Nguyên... để đáp ứng nhu cầu dùng gạo ngon cho thị trường nội địa.

"Vụ này, hầu hết nông dân trong vùng đều chọn các giống lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 70% là chủ động được giống, số còn lại đang chạy đôn chạy đáo kiếm giống, kiên quyết không sản xuất giống 504 nữa"- ông Đức nói. Nhiều nông dân ở Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang cũng cho biết do lúa 504 làm ra bán không được, dù chấp nhận bán với giá dưới giá thành, nên vụ này, nhất định không trồng tiếp nữa.

Tuy nhiên, theo Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Võ Tòng Xuân, giống 504 là giống lúa thích nghi với mọi vùng sinh thái, rất dễ trồng và tính tới thời điểm này là giống cho năng suất cao nhất, nếu không bị rầy nâu tấn công. Tiến sĩ (TS) Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cũng cho rằng giống 504 có thể cho năng suất vụ đông xuân đến 8 tấn/ha. Dù không ngon cơm nhưng gạo 504 khá "nở nồi", được dân nghèo thích dùng và nếu dùng gạo 504 chế biến bánh tráng, bánh phở... thì rất tuyệt.

"Việc dùng gạo để chế biến thành các loại thực phẩm ở nước ta chưa phát triển mạnh, chủ yếu dùng gạo để nấu cơm. Trong khi những năm gần đây, đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập cũng khá hơn, lượng gạo tiêu thụ hằng tháng trên đầu người cũng giảm. Do đó, người ta thường mua gạo ngon để ăn, mặc dù giá có thể cao hơn gạo thường. Vì vậy khi sản lượng tăng cao sẽ dẫn đến dư thừa và do đó, việc khó tiêu thụ hoặc không tiêu thụ được là khó tránh khỏi" - TS Bảnh nói.

Thận trọng với lúa thơm...

Trong khi người dân đang thấm thía chuyện lúa đầy bồ không bán được thì lúa thơm từ Campuchia lại bán "đắt như tôm tươi" khiến nhiều người đổ xô đi đổi các giống lúa thơm về sản xuất.

TS Lê Văn Bảnh cảnh báo: Lúa thơm cho gạo giá trị cao nhưng dễ nhiễm sâu bệnh. Ở Thái Lan người ta trồng nhiều giống lúa thơm là do đây là loại lúa mùa, chỉ làm mỗi năm một vụ, do vậy có thời gian an toàn về sinh học, tránh được dịch bệnh nối tiếp từ vụ này sang vụ khác. Trong khi ở ĐBSCL gần như mùa vụ liên tục và đặc biệt là có nơi trong 2 năm nông dân làm đến 7 vụ, do đó sâu bệnh từ vụ này tiếp tục lan sang vụ sau rất dễ dàng. Mặt khác trong những năm gần đây, dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá liên tục xảy ra, đó là điều rất nguy hại cho giống lúa thơm dài ngày. "Muốn sản xuất lúa thơm có hiệu quả và bền vững, nhất thiết phải có quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cho loại giống lúa này. Việc này cần phải có hành động cụ thể của chính quyền địa phương" - TS Bảnh nói.

Ông Nguyễn Khương Bá, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cũng khuyến cáo bà con nông dân nên thận trọng trong việc chọn giống cho vụ đông xuân tới. Theo ông Bá, lúa thơm Campuchia thời gian sinh trưởng dài (từ 120 - 150 ngày/vụ), năng suất chừng 5 tấn/héc ta. Ở nước ta, những vùng đất nước lợ, nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng một vụ thì tranh thủ sử dụng nước mưa sản xuất lúa thơm, chất lượng sẽ không thua gì lúa thơm Campuchia. Ông Bá lưu ý, do các giống lúa thơm năng suất không cao, chỉ làm một vụ nên cần đi theo cơ cấu một lúa một thủy sản. Ở nước ta hiện có nhiều giống lúa thơm chất lượng cao, phù hợp vùng đất phèn, mặn như: giống lúa Tài Nguyên, các nhóm ST, Khaodakmali...

TS Lê Văn Bảnh cho rằng ở ĐBSCL hiện nay có một số giống lúa không phải lúa mùa như ở Thái Lan, Campuchia nhưng cũng rất thơm ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao như Jasmine, OM 4900... Nếu có phương thức sản xuất tốt hơn như lập vùng chuyên canh hoặc các hợp tác xã có diện tích lớn, chăm sóc đúng quy trình, làm tốt khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch vẫn có thể có gạo chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, thời gian qua các viện, trường trong vùng cũng đã sản xuất ra nhiều giống lúa cao sản, chất lượng gạo ngon. Trong đó, nhóm giống cho gạo dẻo, thơm, năng suất tiềm năng đạt từ 6-8 tấn ha, gồm có: OM 4900, OM 6162, OM 3536; ST3, ST5, VNĐ 95-20; MTL 250, MTL 233... Nhóm giống cho gạo mềm cơm, năng suất tiềm năng 6-8 tấn/ha, có: OM 2395, OM 4498, OMCS 2000...

Tuy nhiên, cũng theo TS Bảnh, hiện giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu; khoảng 40% lượng giống tốt khác do nông dân chọn lọc; còn lại 30% lượng giống không đảm bảo chất lượng. Chọn được giống tốt rồi, người nông dân còn phải áp dụng chương trình "ba giảm, ba tăng" (giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng thu nhập) mới có thể mang lại lợi nhuận cao.



Nguồn: Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường