Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa cà phê Việt Nam ra thế giới
21 | 11 | 2008
Hai quán cà phê của Trung Nguyên có mặt tại Singapore được giới chuyên môn đánh giá cao, như một đóng góp quan trọng trong những nỗ lực đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra thế giới. Đầu tháng 9.2008, quán cà phê đầu tiên ở nước ngoài của Công ty cà phê Trung Nguyên đã được mở tại ga hành khách số 1 sân bay quốc tế Changi của Singapore. Tối 19.11, quán cà phê thứ hai của Trung Nguyên khai trương ở Trung tâm shopping Liang Court, ngay khu ẩm thực nổi tiếng Clarke Quay của Singapore.
Người tiêu dùng Singapore hưởng ứng

Trao đổi với Thanh Niên tại Singapore, Tổng giám đốc Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết có hai lý do để tự tin về việc đầu tư hàng trăm ngàn USD vào Singapore trong thời điểm kinh tế khó khăn này: Thứ nhất, Trung Nguyên đã tập trung đủ nguồn lực nội tại để tự tin bước ra nước ngoài cạnh tranh với những thương hiệu cà phê đã trở nên quá nổi tiếng và quen thuộc với phong cách công nghiệp tại Singapore. Thứ hai, dù kinh tế có khó khăn thì nhu cầu tiêu thụ cà phê cũng không giảm, bởi loại thức uống này đã trở thành một phần không thể thiếu trong nếp sinh hoạt hằng ngày của những người yêu mến nó. Vả lại, cà phê Việt Nam có những phẩm chất và đặc trưng riêng ăn đứt những loại cà phê công nghiệp khác. Đó là vị đậm đà của hạt cà phê được trồng trên đất bazan Buôn Mê Thuột với thành phần khoáng chất đặc biệt, vượt qua chất lượng hạt robusta từ những miền đất vốn là quê hương của loại cây này. Công thức pha tẩm, rang xay đặc biệt làm cho cà phê Trung Nguyên có chất lượng đặc biệt.

Nhiều người Việt ở Singapore đã đến dự lễ khai trương với niềm tự hào về sự hiện diện một cách có đẳng cấp của một thương hiệu cà phê Việt Nam trên đảo quốc Sư tử. Nhiều đại diện doanh nghiệp Singapore và phóng viên quốc tế cũng đến dự.

Tại hội chợ ẩm thực quốc tế diễn ra từ 14-18.11 ở khu triển lãm Expo của Singapore, Trung Nguyên là thương hiệu Việt Nam duy nhất có mặt. Suốt nhiều ngày hội chợ, quầy hàng này lúc nào cũng có hàng chục người xếp hàng chờ được thưởng thức hương vị cà phê độc đáo của Việt Nam.

Xóa nghịch lý cho cà phê Việt Nam

Động thái mạnh dạn đầu tư ở chuỗi cửa hàng ở Singapore của Trung Nguyên rất đáng được ghi nhận bởi một nghịch lý mà cà phê Việt Nam đang gặp phải là dù đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê nhân, nhưng các sản phẩm chế biến từ cà phê Việt Nam vẫn quá ít ỏi, chưa xứng với tiềm năng.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong niên vụ cà phê 2007/2008, các doanh nghiệp đã xuất khẩu cà phê nhân sống qua 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời xuất khẩu cà phê hòa tan sang 25 thị trường, xuất khẩu cà phê rang xay đến 6 thị trường và các loại cà phê chế biến khác qua 16 thị trường. Tuy nhiên, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa - nhận định: "Nhìn chung, mặt hàng cà phê chế biến của trong nước xuất khẩu còn quá ít, chủ yếu vẫn là tiêu thụ nội địa". Việt Nam vẫn chủ yếu nổi tiếng là một quốc gia xuất khẩu cà phê nguyên liệu mà thôi. Thậm chí, hàng năm một số công ty cũng phải nhập không ít các sản phẩm cà phê chế biến. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm nay cả nước đã nhập trên 7,3 triệu USD về các chủng loại cà phê, phần lớn là cà phê rang, cà phê bột, cà phê hoà tan... từ các hãng Lavazza, Expresso Ethiopia, Expresso Colombie, Expresso Guatemala, cà phê Sumatra, Illy...

Theo ông Lương Văn Tự, một trong những vấn đề mà ngành cà phê cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới là phải đổi mới khâu chế biến, mở rộng, sản xuất các sản phẩm cà phê giá trị gia tăng. Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành cũng nêu rõ: Toàn ngành sẽ điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ lệ xuất khẩu cà phê nhân sang các thị trường cao cấp, phấn đấu đến 2015 có 50 - 70% sản lượng cà phê Việt Nam tham gia giao dịch tại các sàn giao dịch quốc tế có chất lượng cao; phát triển mạnh cà phê hòa tan, cà phê rang xay, nâng mức chế biến sâu các sản phẩm cà phê đạt 20% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Bên cạnh đó sẽ tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến; xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Theo đó, Bộ khuyến khích doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư chế biến cà phê hòa tan, cà phê rang xay... đến 2015 đạt sản lượng từ 10.000 - 15.000 tấn/năm, trong đó 50% xuất khẩu. Trên cơ sở cải thiện chất lượng sản phẩm, ngành cà phê và từng doanh nghiệp phải tích cực xúc tiến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và của mỗi doanh nghiệp nói riêng, từng bước khẳng định xuất xứ và uy tín của cà phê Việt Nam.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết trong quý 1/2009, Trung Nguyên sẽ mở thêm hai cửa hàng ở khu shopping nổi tiếng Marina Square và ga hành khách số 2 sân bay Changi của Singapore. Xa hơn, Trung Nguyên dự tính mở tổng cộng 18 cửa hàng trên toàn đảo quốc Singapore.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường