Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo miền Tây “đổ bộ” miền Đông...
21 | 11 | 2008
Mỗi ngày có hàng chục xe tải chứa đầy gạo từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… ùn ùn kéo về Đông Nam bộ chui vào tận các ngõ ngách bán gạo đại hạ giá. Trong khi đó, những tiểu thương buôn gạo ở các chợ miền Đông thì lâm cảnh "ngồi chơi xơi nước" do giá gạo vênh nhau quá lớn.
Gạo từ Tiền Giang bày bán ở khu vực cầu Hóa An

Gạo chất lượng cao… đại hạ giá

Không giống như hồi giữa năm khi cơn “sốt gạo” khủng khiếp diễn ra khiến người dân phải chen lấn, xếp hàng để mua gạo giá cao thì hiện nay ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) người bán gạo phải mỏi miệng mời chào.

Sáng 20/11, theo ghi nhận của NNVN tại TP Biên Hòa có hàng chục tiểu thương đứng cạnh xe tải lớn nhỏ chứa đầy gạo đậu khắp các cửa ngõ TP như khu vực chợ Hóa An, chân cầu Hóa An, chân cầu Đồng Nai, QL15… đon đả mời chào người đi đường. “Ghé mua gạo đại hạ giá chất lượng cao đi cô bác ơi! Gạo ngon giá rẻ nè!”.

Những tiếng rao cùng kiểu bán hàng rất nhiệt tình của những tiểu thương, người dân có thể bắt gặp ở rất nhiều tuyến đường. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Quỳnh Hoa ngụ ở Bến Lức (Long An) cho biết: “Nhà tui có máy xay xát lúa, hàng ngày ông xã đi mua lúa của bà con về xay, còn tui và mấy người nhà chở gạo về Đồng Nai bán. Hiện nay có hai loại gạo là gạo dẻo thơm giá 7.600đ/kg (trước đây khoảng 13-14.000đ/kg) và gạo mềm xốp, nở giá 6.000đ/kg (trước đây khoảng 10-11.000đ/kg).

Do có quá nhiều người cùng bán, nhiều thương lái đành “cạnh tranh” bằng cách giảm giá từ 200-300đ/kg gạo tùy loại. Tại khu vực cầu Hóa An, anh Hoàng Thành Nhân ở Mỹ Tho- Tiền Giang cho biết, giá gạo dẻo thơm chỉ 7.400/kg còn gạo xốp, mềm giá chỉ 5.800đ/kg. Mỗi ngày anh Nhân bắt đầu bán từ 5 giờ sáng đến 19 giờ chiều, trung bình cũng tiêu thụ được khoảng 7 tấn. Anh Nhân cho biết, ngày đầu mới chỉ một vài người bán nên cả chục tấn gạo hết veo. Để thuận tiện cho người mua, các tiểu thương đóng gạo vào 2 loại bao: bao 25kg và 50kg.

Cô Hoàng Thị Thủy ngụ xã Hóa An (TP Biên Hòa) vui mừng cho biết, nhà cô từng mua 2 loại gạo để ăn và nhận thấy cơm rất ngon, nếu như cùng loại gạo này trước đây khoảng 2 tháng giá tới 13-14.000đ/kg. Thấy gạo giá rẻ, cô Thủy đã mua liền lúc 2 bao loại dẻo thơm (loại 50kg) về ăn dần.

Gạo giá rẻ có mặt khắp nơi khiến gạo siêu thị, cửa hàng trở nên ế ẩm

Gạo siêu thị, cửa hàng ế ẩm

Do giá gạo bán rong khá thấp trong khi nhiều cửa hàng bán gạo vẫn “quen thói” bán chảnh kể cả khi giá gạo trên thị trường giảm mạnh giờ rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu.

Đáng nói nhất là ở khu vực xã Hóa An, nơi có đến trên 30.000 công nhân trước đây có 3 cửa hàng gạo mỗi ngày bán được trên 10 tấn thì nhưng nay chẳng bán được là bao. Chỉ riêng Cty Pouchen đã có tới 25.000 công nhân trước thường mua gạo tại các cửa hàng có thói “bóp-chém” thì nay được mua gạo đại hạ giá thoả thích.

Chị Nguyễn Thị Thắm làm ở bộ phận KCS, Cty Pouchen cho biết, nghe tin ở chân cầu Hóa An có bán gạo giá rẻ (5.800đ/kg), em và mấy bạn cùng phòng liền đến khuân về 2 bao (100kg). "Gạo giảm giá là tin vui nhất cho công nhân tụi em vì cách đây chưa lâu phải mua tới 10.500đ/kg, trong khi lương bình quân chúng em chỉ 1,3-1,4 triệu thì làm sao mà có dư. Hiện nay, hầu hết công nhân sau giờ làm đều tranh thủ đi mua gạo về dự trữ".

Tình trạng ế ẩm ở những cửa hàng gạo không chỉ diễn ra ở Hóa An, mà diễn ra ngay cả những chợ lớn khác như Biên Hòa, Tam Hiệp, Tân Mai… Chiều chủ cửa hàng cho biết, họ không thể bán gạo với giá 5.800 – 7.400đ/kg như những xe chở bán rong bởi phải đóng thuế, rồi tiền thuê mặt bằng.

Ngoài ra, “Do mình buôn bán ở đây nhiều năm, nếu bán gạo “dởm” “gạo húc” (để quá lâu) thì hôm sau bị người mua mắng té tát cho ngay, còn những xe bán lưu động thì hôm nay họ bán chắc gì mai đã thấy” – chị Nguyễn Thái Bình, chủ sạp gạo chợ Tân Mai nói. Ghi nhận cho thấy, hiện nay gạo dẻo thơm và gạo nở mềm, xốp chênh nhau giữa ở chợ và các hộ bán rong từ 3.000- 4.200đ/kg tùy loại.

Theo ghi nhận của NNVN, tình trạng bán gạo giá rẻ bằng xe tải (5-10 tấn) không chỉ có ở Đồng Nai mà còn xuất hiện ở Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đặc biệt tại những KCN- nơi có nhiều công nhân thu nhập thấp. Không những thế tại nhiều vùng thôn quê ở Bến Cát, Tân Uyên, Thuận Giao (Bình Dương) các xe tải chở gạo còn tìm vào tận các xóm, ấp để rao bán gạo với giá rẻ.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường