Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ðể trái thanh long đứng vững trên thương trường quốc tế
22 | 11 | 2008
Ngày 28-10-2008, lô hàng thanh long tươi sạch hơn sáu tấn của cơ sở Duy Lan (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã cập cảng Long Beach, California (Hoa Kỳ).
Hiện còn có hai lô hàng với hơn 26 tấn thanh long của Bình Thuận cũng đang trên đường đến Hoa Kỳ. Ðộng thái này đã đưa giá thanh long tại địa phương lên 15-20 nghìn đồng/kg, tăng 6.000 đến 8.000 đồng so với đầu tháng 10 khiến các nhà vườn rất phấn khởi.

Từ nhiều tháng trước, các chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động, thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã nhiều lần đến Bình Thuận khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn các công đoạn từ sản xuất, thu hái đến bảo quản, đóng gói, vận chuyển cho người trồng thanh long. Trên cơ sở đó đã đồng ý cho chiếu xạ tại chỗ và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP (tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và môi trường) được tiêu thụ tại Hoa Kỳ.

Việt Nam là nước thứ ba ở khu vực Ðông - Nam Á, Nam Á sau Thái-lan và Ấn Ðộ được phép chiếu xạ tại nước mình trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Các chuyên gia của Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp các chuyên gia APHIS giúp địa phương thực hiện quy trình trên.

Nhiều năm qua Bình Thuận đã xuất khẩu thanh long sang nhiều thị trường các nước châu Á, rồi Hà Lan, Ðức, Canada. Song xuất khẩu thanh long vào Hoa Kỳ vẫn được xem là khắt khe nhất. Mỗi lô hàng phải có giấy chứng nhận của APHIS, và để bảo đảm sâu bệnh không vào được Hoa Kỳ, trước khi lên tàu thanh long phải được chiếu xạ với liều lượng nhất định bằng những phương tiện được APHIS chứng nhận.

Ngoài ra, các Cục Hải quan và Biên phòng thuộc Bộ An ninh nội địa của Hoa Kỳ có thể kiểm tra thêm các lô hàng nhập khẩu tại cảng nhập khẩu đầu tiên. Do vậy việc lô hàng thanh long đầu tiên của ta vào Hoa Kỳ được xem là dấu mốc mới cho việc xuất khẩu mặt hàng này.

Ðể nhân lên kết quả này, tỉnh Bình Thuận cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung, từ đó có điều kiện xử lý các vấn đề kỹ thuật từ khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói bảo quản, vận chuyển đến khi lên tàu. Các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp giúp địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, cho các nhân viên tác nghiệp trong các công đoạn thuộc chu trình khép kín này. Tạo mối liên kết bền chặt giữa nhà xuất khẩu với nhà sản xuất bảo đảm thực hiện các điều khoản hợp đồng, giữ tín nhiệm với khách hàng và hài hòa lợi ích của các bên...

Các Tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước phải vào cuộc để tuyên truyền, quảng bá, thu thập thông tin về đánh giá nhận xét của người tiêu dùng nước ngoài về phẩm cấp, giá cả và dự báo lượng tiêu thụ của thanh long Việt Nam trong sự so sánh với thanh long của nước khác trên cùng một thị trường, tiến tới xây dựng và đăng ký bản quyền thương hiệu thanh long Việt Nam.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường