Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng cường hợp tác Việt Nam- Morocco
25 | 11 | 2008
Sáng nay (24/11), lễ đón chính thức Thủ tướng Abbas El Fassi được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Morocco Abbas El Fassi thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-26/11/2008. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Morocco kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961).

Tháp tùng Thủ tướng Morocco có Bộ trưởng Ngoại giao, một số quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao và Văn phòng Thủ tướng cùng hơn 30 quan chức và đại diện doanh nghiệp hàng đầu của Morocco kinh doanh trong lĩnh vực: nông sản thực phẩm, điện tử viễn thông, mỹ phẩm, hệ thống thông tin địa chất, nuôi trồng - chế biến thuỷ hải sản, chăn nuôi, bảo hiểm, đầu tư bất động sản, điện tử, điện lạnh, xây dựng, truyền thông, du lịch, thương mại tổng hợp…

Morocco nằm ở Bắc Phi, giáp biển Bắc Đại Tây dương và Địa Trung hải, Vương quốc Morocco hình thành vào thế kỷ 11 với một nền thương mại rất phát triển. Morocco có quan hệ buôn bán với nhiều quốc gia châu Âu, Trung cận đông và các nước châu Phi. Một số bạn hàng chính: Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Italy, Đức, Ấn độ, Trung Quốc và Arabia Saudi.

Tài nguyên: trữ lượng phốt phát lớn nhất thế giới 54,5 tỷ tấn, chiếm 3/4 trữ lượng thế giới (đứng thứ 2 thế giới về sản xuất khoảng 20 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu 10 triệu tấn), ngoài ra có sắt, măng gan, chì, thiếc, muối. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 15%, Công nghiệp 38,2%, Dịch vụ 46,8%; GDP đạt 72,76 tỷ USD, tăng trưởng bình quân GDP 2,1%, bình quân thu nhập đầu người 1700 USD/năm (năm 2007).

Trong những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị Morocco tương đối ổn định, kinh tế tăng trưởng khá. Morocco là nước châu Phi đầu tiên và A-rập hồi giáo thứ 2 (sau Jordan) ký Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ (tháng 3/2004).

Morocco là thành viên của LHQ, nhiều Tổ chức quốc tế và khu vực như Khối Maghreb (UMA), Phong trào không liên kết (NAM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Morocco phát triển tốt, hai bên đều mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt. Tháng 3/2006, hai nước đã cử Đại sứ thường trú tại thủ đô mỗi nước. Hai bên cũng đã trao đổi nhiều đoàn các cấp. Thủ tướng Phan Văn Khải (11/2004) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 12/2005), đã thăm Morocco. Chủ tịch Hạ viện Morocco Abdehouahe Radi (tháng 3/2003). Bộ trưởng Đặc trách- Đặc phái viên của Vua Morocco Taieb El Fassi Fihri đã thăm Việt Nam tháng 7/2005 và 8/2006.

Quan hệ kinh tế-thương mại hai nước: theo số liệu của Morocco năm 2001 Morocco đã nhập từ Việt Nam 4 triệu USD hàng hoá các loại (Việt Nam đứng thứ 75 trong 155 nước xuất khẩu sang Morocco).

Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt: năm 2003 là 6 triệu USD; 2004 là 8,5 triệu USD; 2005 là 8,8 triệu USD; 2006 là 10,7 triệu USD và 2007 là 45 triệu USD.

Tháng 3/2008, kỳ họp thứ nhất Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam- Morocco diễn ra tại Rabat, Morocco. Hai bên đã ký Biên bản kỳ họp này, trong đó đề ra nhiều biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Morocco nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm cũng như sự phối hợp trên các diễn đàn đa phương.

 

 



Nguồn: VOVNEWS
Báo cáo phân tích thị trường