Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình quân thu nhập theo đầu người đạt 715 USD
30 | 09 | 2007
Trong bản báo cáo mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam từ nay đến hết năm rất khả quan. Đầu tư công sẽ hồi phục, môi trường bên ngoài thuận lợi, GDP tăng 7,8% và thu nhập bình quân đầu người đạt 715 USD, tăng 80 USD so với năm ngoái.

Các giám đốc điều hành IMF hoan nghênh thành tích rất ấn tượng của Việt Nam trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và giảm đói nghèo nhanh. Theo IMF, những nỗ lực tiếp tục cải thiện nền kinh tế theo định hướng thị trường đã làm cho Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

Năm 2005, GDP của Việt Nam tăng 8,4%. Đà tăng trưởng mạnh mẽ này được duy trì trong những tháng đầu năm nay, do tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng mạnh và nguồn thu từ xuất khẩu đạt khá. Thời gian gần đây, các ngân hàng trong nước thận trọng hơn với các khoản cho vay. Theo đánh giá của IMF, việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng như vậy, nếu được duy trì, sẽ giúp kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ tồn đọng ở các ngân hàng.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Việt Nam đã nghiêm túc chấp hành những nghĩa vụ của một thành viên IMF, xây dựng kế hoạch để đồng Việt Nam được chuyển đổi hoàn toàn trước 2010, cho phép các ngân hàng tự do quyết định tỷ giá trong giao dịch tiền tệ. Đánh giá cao những nỗ lực này, Ban giám đốc điều hành IMF cho rằng tỷ giá linh hoạt hơn sẽ giúp nền kinh tế chịu được những cú sốc từ bên ngoài và quản lý rủi ro tỷ giá tốt hơn.

Theo đánh giá của IMF, triển vọng kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm rất khả quan và tiếp tục thuận lợi trong trung hạn. Đáng chú ý, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng ngoài dầu thô và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự báo, GDP năm nay đạt hơn 970 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm ngoái. Thu nhập bình quân đầu người năm nay đạt 715 USD, tăng 80 USD so với năm ngoái.

Tuy nhiên, gia nhập WTO cũng có nghĩa áp lực cạnh tranh toàn cầu nhiều hơn, tạo ra thử thách cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những ngành vẫn đang đuợc hưởng lợi từ thuế quan bảo hộ hay sự trợ cấp của chính phủ. Một số rủi ro khác có thể bắt nguồn từ những chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng hay do trì hoãn thực hiện những cải cách cần làm. Những rủi ro chính từ môi trường bên ngoài bao gồm sự tăng trưởng chậm lại đáng kể của nền kinh tế Mỹ; việc giảm giá dầu trên thế giới... có thể sẽ cản trở các nhà đầu tư dám phiêu lưu với rủi ro.

Điều mà IMF quan ngại nhất chính là tình trạng lạm phát. Theo đánh giá của cơ quan này, lạm phát của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao và xấu hơn so với hầu hết các nước châu Á khác. Dự báo tỷ lệ trượt giá của đồng Việt Nam trong năm nay vào khoảng 7,7% (tính theo cuối kỳ).

Gánh nặng nợ công đang ngày càng tăng lên cũng là một điều đáng lo ngại. Công nợ của Việt Nam năm nay dự kiến chiếm 45,5% GDP và nợ nước ngoài chiếm 32,6% GDP. IMF khuyến cáo, nếu gánh nặng nợ công ngày càng tăng lên có thể làm giảm chi ngân sách cho việc giảm nghèo, đặc biệt là trong trường hợp kinh tế thế giới chậm lại hoặc giá dầu giảm. Theo IMF, giá dầu giảm có thể khiến triển vọng về ngân sách kém khả quan hơn, vì vậy cần kiềm chế chi tiêu công.



(Nguồn: VnExpress)
Báo cáo phân tích thị trường