Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo sang châu Phi: còn lệ thuộc trung gian
26 | 11 | 2008
Hiện gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu qua những nhà nhập khẩu trung gian từ châu Âu và Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết như trên tại cuộc gặp gỡ giữa 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước và gần 50 doanh nghiệp nhập khẩu gạo của 14 nước châu Phi tại TP.HCM sáng nay (25.10.2008).

Phụ thuộc hoàn toàn vào trung gian

Mặc dù tỷ lệ xuất khẩu sang châu Phi tăng mạnh, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ yếu qua trung gian. Hình thức này chỉ thích hợp với thời kỳ khai phá thị trường, quy mô xuất khẩu của doanh nghiệp còn khiêm tốn.

Ông Nguyễn Văn Tiến, phó tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay công ty đã xuất khoảng 180.000 tấn gạo, 30% số này sang châu Phi, qua những tập đoàn trung gian nước ngoài.

“Nhiều doanh nghiệp châu Phi hạn chế về tài chính. Sự hiểu biết, phong tục tập quán kinh doanh, thông tin về doanh nghiệp châu Phi là những trở ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Vì vậy công ty phải chọn những công ty trung gian của EU”, ông Tiến thừa nhận.

Cũng thông qua một công ty trung gian của Thụy Điển, bà Lê Thị Thanh Diễm, giám đốc công ty TNHH Việt Phong cho biết trong tháng tới sẽ xuất 25.000 tấn gạo sang châu Phi với giá 430 USD/tấn gạo loại 25% tấm. Đây là mức giá khá tốt ở châu Phi, bởi hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm chỉ khoảng 500 USD/tấn.

“Chúng tôi làm những hợp đồng nhỏ lẻ, không qua hiệp hội lương thực, nên đàm phán được giá cao hơn”, bà Diễm nói. Trong năm tới, công ty sẽ đàm phán trực tiếp với những nhà nhập khẩu châu Phi để xuất khẩu gạo. Điều bà Diễm lo nhất vẫn là khâu thanh toán ở thị trường này.

Tìm cơ hội mới để xuất trực tiếp

Trước khi đoàn doanh nghiệp châu Phi đến Việt Nam, Oryza - trang thông tin chuyên về gạo - đã đưa ra dự báo, châu Phi với khả năng nhập khẩu 9 triệu tấn gạo mỗi năm, với mức tăng trưởng 5%/năm sẽ là thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Bà Macaria Barai, phó chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Guinea Bissau, cho biết bên lề buổi gặp gỡ rằng, châu Phi đang có khuynh hướng chuyển nhập khẩu gạo từ Thái Lan, Ấn Độ sang Việt Nam.

“Vì gạo Việt Nam có giá rẻ hơn và chất lượng cũng không thua gạo Thái Lan”, bà Macaria Barai nói. Guinea Bissau đã giảm nhập khẩu gạo 50% từ Ấn Độ và Thái Lan, chuyển sang mua gạo Việt Nam trong năm nay.

Bà Phan Thị Thúy Truyển, giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại - du lịch tỉnh An Giang cũng cho rằng, châu Phi, nếu khai thác tốt, sẽ là một thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam. Đoàn doanh nghiệp tỉnh An Giang dự kiến sẽ có chuyến xúc tiến thương mại ở Nam Phi vào tháng 12 năm nay.

Thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang đánh giá: “Đây là cuộc gặp quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam”. Bởi những nhà nhập khẩu và xuất khẩu gặp gỡ trực tiếp với nhau trong 3 ngày để bàn thảo việc đưa gạo Việt Nam sang thị trường châu Phi mà không qua trung gian.

Bộ Công thương khuyến cáo, doanh nghiệp nên tìm cơ hội ở những nước có hệ thống luật pháp, ngân hàng tốt với khả năng tài chính tương đối mạnh như Nam Phi, Ai Cập, Angola; làm cầu nối xuất khẩu gạo vào những nước khác.

Một kênh xuất khẩu khá quan trọng và hiệu quả là qua hình thức bán hàng viện trợ cho các tổ chức quốc tế và các tập đoàn lớn của châu Âu và Mỹ đang viện trợ nhân đạo cho châu lục này.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường