Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để chè Shan tuyết Hà Giang vươn xa
28 | 11 | 2008
Người dân bản địa gọi là chè Tuyết (hoặc chè Shan tuyết) vì mùa đông tuyết phủ trắng ngọn cây, ấp ủ tinh hoa trời đất đợi đến mùa Xuân nảy lộc, đâm chồi, người dân hái lượm tự nhiên tạo ra sản phẩm chè sạch, nước mang hương vị đặc biệt thơm ngon. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chè Shan tuyết Hà Giang vẫn chưa thực sự chiếm lĩnh được cảm tình người tiêu dùng. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Shan tuyết Hà Giang

Từ lâu, sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang đã nổi tiếng trong và ngoài nước là sản phẩm chè sạch, an toàn cho người sử dụng, điều đó đã được nhiều tổ chức môi trường trong nước và quốc tế thừa nhận. Bên cạnh đó, chè Shan tuyết Hà Giang có vị đậm, ngon, có tác dụng tốt về sức khoẻ cho người sử dụng, đối với nhiều người sành chè thì đây là loại chè có chất lượng đặc biệt không nơi nào trong nước có được. Tuy nhiên, để có thể hoà nhập với sự phát triển của dòng sản phẩm này theo xu thế chung của thị trường tiêu thụ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngành chè Hà Giang còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các sản phẩm chè.

Hiện, toàn tỉnh có 15.064 ha chè, trong đó diện tích chè cho thu hoạch 12.536 ha, so với năm 2001 diện tích chè tăng 2.541 ha. Chè được trồng chủ yếu tại các huyện: Bắc Quang 3.514,6 ha; Vị Xuyên 3.780,5 ha; Hoàng Su Phì 3.328,9 ha; Xín Mần 1.954,3 ha; Quang Bình 1.815 ha, diện tích chè Shan chiếm hơn 90% trong tổng diện tích... Năm 2008, năng suất chè búp tươi ước đạt trên 34 tạ/ha, sản lượng ước 4.262 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh việc chế biến chè chủ yếu được thực hiện do 1 Công ty Cổ phần, 12 doanh nghiệp, 5 HTX và gần 400 hộ kinh doanh và chế biến chè. Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm nên tạo được thị trường tiêu thụ, xuất khẩu ổn định. Năm 2007, sản lượng chè khô xuất khẩu ước đạt trên 8.000 tấn, sản phẩm chủ yếu là chè vàng, chè đen và chè xanh. Công ty TNHH Hùng Cường đã chế biến được 2.174 tấn chè khô các loại; Công ty Cổ phần chè Hùng An sản xuất, chế biến được 430 tấn chè xanh; Công ty TNHH Thành Sơn 57,7 tấn, chủ yếu là chè vàng; HTX Nam Hải 130 tấn, HTX Xuân Mai chế biến được 70 tấn chè vàng, với giá bình quân gần 20.000đ/kg. Đây là mức xuất khẩu kỷ lục nhất từ trước tới nay của ngành chè Hà Giang cả ở số lượng và giá trị kinh tế. Riêng 10 tháng đầu năm 2008, giá thu mua nguyên liệu bình quân từ 2.400 đồng đến 3.000 đồng/kg chè búp tươi, cao hơn 300 đồng đến 500 đồng/kg so với năm trước, nên càng khuyến khích các hộ dân chú trọng khâu chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Chè đã trở thành mặt hàng đứng thứ nhất toàn tỉnh về số lượng xuất khẩu trong cơ cấu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Sản phẩm chè xuất khẩu đi các nước được thực hiện qua Công ty TNHH Hùng Cường, sản phẩm chè Hà Giang đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới. Trong 10 tháng đầu năm 2008, Công ty TNHH Hùng Cường đã chế biến được 2.200 tấn chè, trong đó, chè xuất khẩu được 1.360 tấn và nội tiêu trong nước 700 tấn. Thị trường tiêu thụ chè ngày càng được mở rộng, giá thu mua chè được đẩy lên qua các năm đã tạo cho nông dân tâm lý phấn khởi yên tâm đầu tư sản xuất, đây là dấu hiệu tốt cho ngành chè Hà Giang phát triển hơn nữa trong những năm tới. Kết quả này một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao vị thế sản phẩm chè Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước.

Có thể nói, cùng với việc khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh, chế biến chè, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích chè trồng mới bằng giống Shan tuyết, phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh có 17.500 ha chè Shan, tập trung ở một số huyện trọng điểm như: Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất các hộ trồng chè thông qua nguồn vốn ADB và các nguồn vốn vay từ các ngân hàng địa phương; vận động nhân dân đẩy lùi nạn chè vàng, làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và giá trị kinh tế của chè Shan tuyết Hà Giang.

Trước tiềm năng và thế mạnh của chè Hà Giang, trong những năm qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm chè. Hiện tại, các doanh nghiệp trong tỉnh đã sản xuất được nhiều sản phẩm khá đa dạng, từ loại có giá bình dân như chè đen, chè xanh với giá khoảng vài chục nghìn đồng/1 kg, tới các loại chè cao cấp với giá hàng trăm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn của Hiệp hội Chè Việt Nam và đông đảo người tiêu dùng trong nước, quốc tế: Nếu đem sản phẩm chè Hà Giang so sánh với các sản phẩm chè của các địa phương khác như: Chè Ô Long, Ngọc Thuý, Tứ Quý (Lâm Đồng), chè Suối Giàng (Lào Cai), chè Tân Cương (Thái Nguyên)… thì sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang còn phải học tập nhiều về mẫu mã, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến người tiêu dùng chưa biết đến chè Shan tuyết Hà Giang, một nguyên nhân chính là do chưa chú trọng cải tiến thiết bị chế biến nên sản phẩm chè của Hà Giang chưa có hương vị độc đáo, hấp dẫn người tiêu dùng, đồng thời bao bì sản phẩm của chè Hà Giang còn đơn giản, chưa đẹp, chưa tiện lợi cho người sử dụng và không mang nét đặc trưng riêng. Chính vì vậy, theo các nhà chuyên môn, để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm chè Hà Giang, các đơn vị kinh doanh chè trong tỉnh cần chú trọng vào các vấn đề chính đó là hương vị, bao bì sản phẩm và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đồng chí ĐàoKim Chúc, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT, khẳng định: Để có sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới, ngoài việc tăng cường quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp chè chủ động tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, cắt giảm những khâu trung gian và giảm chi phí giao dịch xuống mức thấp nhất. Ngành chè Hà Giang tiếp tục đầu tư công nghệ và các yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế, nâng cao giá trị kinh tế của cây chè và các sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Người dân cũng cần phải chủ động bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình. Để giữ được bạn hàng, yếu tố quan trọng là duy trì chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chè cũng áp dụng chính sách khuyến khích các hộ thu hái phân loại chè A, B nhằm bảo đảm giá thu mua công bằng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến. Có như vậy, sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang mới thực sự đứng vững trên thị trường trong, ngoài nước và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.



Nguồn: khuyennong
Báo cáo phân tích thị trường