Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà nông trông đợi những gì ở Chính phủ?
28 | 11 | 2008
Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta thường nói đến sự liên kết “bốn nhà” (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) và xem đó là động lực thúc đẩy sản xuất. Nhưng trong thực tiễn cuộc sống, các “nhà” khác đều bận rộn với nhiều lo toan của họ, sự hỗ trợ cho nhà nông xem ra còn quá ít ỏi và chưa đạt hiệu quả mong đợi.

Thế là còn lại nhà nông phải một mình loay quay sản xuất theo kiểu đèn cù, cứ thấy gì có giá thì trồng thứ đó. Mối quan hệ giữa nhà nước và nhà nông lâu nay vẫn lỏng lẻo, các chính sách của nhà nước về sản xuất và vận hành thị trường lúa gạo thường không sát với thực tế.            

Trong bài này, tôi mạn phép nêu lên ba lĩnh vực - theo thiển ý của tôi - nhà nông đang rất cần nhà nước hỗ trợ trong quá trình sản xuất để ổn định chất lượng xuất khẩu gạo, nâng cao uy tín gạo Việt nam trên thị trường thế giới và hỗ trợ giảm giá thành sản xuất lúa. Ngoài ra, để xuất khẩu gạo được ổn định, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhà nước cần xem lại các chính sách quản lý và cơ chế vận hành xuất khẩu gạo.              

Xây dựng uy tín thương hiệu            


Để có thể ổn định xuất khẩu gạo, Chính phủ cần thay đổi cơ chế quản lý xuất khẩu gạo. Hiện nay, những ràng buộc về chỉ tiêu xuất khẩu phải được sự chấp thuận của Hiệp hội Lương thực về mức giá bán gạo và các thủ tục hành chính xung quanh hoạt động xuất khẩu gạo còn nhiều bất cập, gây cản ngại cho doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ ngành liên quan thường chậm và thiếu chính xác trong dự báo, không điều chỉnh chính sách kịp thời và phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế.              

ĐBSCL cần có các nhà máy xay lúa hiện đại để nâng cao chất lượng gạo; đồng thời cần tăng số lượng kho bãi để đủ sức chứa lúa trong những lúc nông dân thu hoạch rộ. Hiện nay, nông dân thường phải bán tống bán tháo lúa sau khi thu hoạch, vì năm nào lúa cũng bị rớt giá từ đầu vụ đến cuối vụ.  

Về chất lượng gạo phải tính từ chất lượng lúa giống. Nhưng hiện nay, giống lúa xuất khẩu đang bị thả nổi. Không thể xác định được giống lúa chủ lực để xuất khẩu cũng như tỷ lệ xuất khẩu của từng giống. Chúng ta rất cần một kế hoạch phát triển giống có hiệu quả và phân phối đủ giống đến nông dân.  

Và để đa số nông dân trong một vùng trồng cùng một giống lúa thì điều kiện tiên quyết là giống lúa đó phải làm tăng thu nhập của nông dân hơn các loại giống khác. Vì vậy việc lai tạo một giống lúa có chất lượng xuất khẩu và có năng suất cao để tăng thu nhập cho nông dân là yêu cầu lớn nhất trong việc tạo thương hiệu gạo. Hiện nay chúng ta xuất khẩu gạo chỉ có một loại là “gạo trắng hạt dài” là điều không thể chấp nhận được.   

Chúng ta sẽ không thể tạo những thương hiệu gạo có uy tín trong cơ chế xuất khẩu gạo có nhiều tầng lớp trung gian hiện nay. Chúng tôi được biết có trường hợp gạo chất lượng cao bị pha trộn với gạo kém chất lượng trước khi đến được doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ phải kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng gạo xuất khẩu. Có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp làm ăn gian dối để đảm bảo uy tín gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.  

Hoàn thiện quy trình sản xuất

Trở lại nói về giống lúa, việc lai tạo giống mới phải đảm bảo ba mục tiêu: chất lượng gạo tốt để được thị trường chấp nhận, năng suất cao để được nông dân chấp nhận và tỷ lệ xay thành gạo cao để được thương lái chấp nhận. Hiện nay các giống lúa mà nhà nước khuyến khích sản xuất như VND 95-20 và các giống OM có tỷ lệ xay thành gạo thấp nên thương lái không mua dẫn đến nông dân không gieo trồng.  

Chúng ta cần nhiều loại gạo để xuất khẩu; cần phải tiến hành việc khảo nghiệm từng loại giống trên những vùng khác nhau để tìm ra những giống tối ưu trên từng vùng đất. Tiến tới việc quy hoạch sản xuất trên từng vùng. Tốt nhất, chính phủ nên đặt hàng các nhà khoa học lai tạo giống mới theo ba tiêu chí nêu trên.  

Việc cung cấp giống xác nhận cho nông dân hiện nay không đủ. Nông dân thường dùng lúa hàng hóa để làm giống khiến chất lượng gạo thấp. Chính phủ nên có kế hoạch để tăng lượng giống cung cấp cho nông dân. Tốt nhất là cung cấp giống nguyên chủng để nông dân gây thành giống xác nhận.  

Do tập quán canh tác, nông dân cắt lúa đông xuân phơi ngoài đồng, sau đó suốt lúa đem về bán liền không phải phơi lại. Trong khi sử dụng máy gặt đập liên hợp lúa có nhiều tạp chất và phải phơi lúa lại, nên vụ đông xuân nông dân thường không sử dụng máy gặt đập liên hợp. Họ chỉ sử dụng máy gặt đập vào vụ hè thu do giá công cắt rất cao và lúa gặt bằng tay cũng phải phơi lại.

Thế nhưng vào vụ hè thu, lúa thường bị đổ ngã làm hạn chế việc sử dụng máy gặt đập liên hợp. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng một giống lúa cứng cây không đổ ngã vào vụ hè thu và đảm bảo ba mục tiêu nêu trên là loại giống cần cho những người trồng lúa ở ĐBSCL.  

Hiện nay, máy gặt đập liên hợp do Trung Quốc sản xuất có giá thành rất cao (khoảng 160 triệu đồng/máy). Khi hoạt động có rất nhiều hỏng hóc do máy có quá nhiều chi tiết và những chi tiết này có chất lượng không cao. Lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp lẫn nhiều tạp chất hơn so với máy suốt truyền thống. Nếu ngành cơ khí Việt Nam có thể sản xuất máy gặt đập liên hợp có giá trên dưới 100 triệu đồng thì nhiều nhà nông có thể sắm máy. Điều quan trọng là phải cải tiến hệ thống suốt sao cho tạp chất tương đương với máy suốt truyền thống để nông dân sử dụng vào vụ đông xuân.  

Các nhà khoa học nói rằng phơi lúa ngoài đồng theo tập quán của nông dân khi xay thành gạo sẽ bị gãy nhiều, chất lượng kém, nên khuyến khích nông dân sấy lúa. Nhưng hiện nay thương lái không chịu mua lúa sấy (hoặc mua với giá rất thấp) nên một số nông dân dù nhà có máy sấy nhưng vẫn đem phơi lúa để dễ bán.  

Nhược điểm lớn nhất của máy sấy hiện nay nằm trong việc trở đảo lúa. Nhân công trở đảo lúa làm việc trong điều kiện bụi bặm và có khi giữa đêm hôm khuya khoắt nên thường trở đảo không đúng. Lúa không được trở đảo đúng sẽ ẩm mốc trong quá trình bảo quản. Nhược điểm này được khắc phục bằng máy sấy lúa đảo chiều gió. Nhưng máy sấy này chỉ sấy được 4 tấn một mẻ lại chưa được cải tiến cho những lò cố định.  

Để máy sấy được sử dụng rộng rãi nên nghiên cứu loại máy đảo chiều gió, làm sao cho máy vừa di động nhưng cũng có thể cố định, và tăng công suất lên 6 đến 8 tấn một mẻ. Nên có những chương trình khuyến nông hướng dẫn nông dân sấy lúa đảm bảo chất lượng gạo và có những giải thích tạo lòng tin cho thương lái khi mua lúa sấy.  

Hỗ trợ giảm giá thành sản xuất  

Chi phí cao nhất trong sản xuất lúa là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân rất mong nhà chức trách và chính quyền các địa phương quản lý tốt việc phân phối, giữ giá cả ổn định hai mặt hàng này để hạ giá thành sản xuất cho nông dân. Tất nhiên, còn quan trọng hơn nữa là chất lượng hai mặt hàng này, nông dân chỉ biết trông chờ hoàn toàn vào nhà chức trách để chống hàng giả; cứu nhà nông thoát cảnh “tiền mất, tật mang”.  

Nhà nông cũng rất cần sự trợ giá cánh kéo của Chính phủ để đầu tư thiết bị nông nghiệp; cần những chính sách hiệu quả và khả thi để hợp lý hóa sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân; cần một môi trường xuất khẩu gạo lành mạnh.  

 



Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Báo cáo phân tích thị trường