Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giúp nông dân giảm chi phí sản xuất
01 | 12 | 2008
Trước tình hình giá phân bón tăng cao và phân giả đang tràn lan trên thị trường, thì việc giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn chăm sóc được vườn cây và bảo đảm được năng suất cây trồng (chủ yếu là cà-phê, hồ tiêu). Ðó là việc làm thiết thực của ngành nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Ðác Nông. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðác Nông, toàn tỉnh hiện có 72 nghìn ha cà-phê, 6.500 ha hồ tiêu, 35 nghìn ha điều, 15 nghìn ha cao-su, năm nghìn ha ca-cao và hàng chục nghìn ha các loại hoa màu, đậu đỗ, lúa nước... mỗi năm cần đến hàng trăm nghìn tấn phân các loại để chăm bón cho cây trồng.
Thời gian gần đây giá phân bón trên thị trường tăng cao. Các loại phân lân, đạm, NPK nhập khẩu được các đại lý phân bón trên địa bàn tỉnh bán với giá 700 đến 800 nghìn đồng/bao 50 kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Bởi vậy không phải hộ nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư chăm sóc cà-phê, hồ tiêu nhưng cũng không thể bỏ vườn cây được bởi phần lớn nông dân ở Ðác Nông sản xuất cà-phê, hồ tiêu là chính. Gia đình anh Ðỗ Văn Phước ở thôn Nghĩa Thuận, xã Ðác Nia, thị xã Gia Nghĩa làm được 2,5 ha cà-phê, trong mùa mưa năm nay gia đình anh đã bón ba đợt phân với hơn ba tấn phân NPK chi phí lên tới hơn 50 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Anh Phước than thở: "Với giá phân bón cao ngất ngưởng thế này, gia đình tôi đã hết sức đầu tư rồi, dù năng suất cà-phê có giảm cũng đành chịu chứ biết làm sao".

Ðể giảm bớt khó khăn cho nông dân trong thời buổi giá phân bón tăng cao, nhưng vẫn chăm sóc được vườn cây và bảo đảm được năng suất cây trồng, Sở NN và PTNT tỉnh Ðác Nông đã xây dựng giải pháp cân đối dinh dưỡng cho cây trồng bằng cách sử dụng phân bón sản xuất trong nước và phối trộn để thay thế phân nhập khẩu nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu tư. Theo đó, giải pháp được đưa ra là sử dụng phân đơn phối trộn bón cho cây trồng giúp giảm chi phí từ năm đến bảy triệu đồng/ha so với sử dụng phân bón NPK. Cụ thể, nếu mua một tạ phân NPK 16-16-8 hết hai triệu đồng, trong khi đó sử dụng các loại phân như u-rê, ka-li, supe lân để phối trộn theo tỷ lệ nhất định chỉ khoảng 1,3 triệu đồng, tiết kiệm được 700 nghìn đồng, nhưng sự sinh trưởng của cây cũng như năng suất không thua kém so với dùng phân NPK nhập khẩu. Gia đình anh Nguyễn Ðình Quốc, ở phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa trồng một ha cà-phê, bình quân mỗi năm anh bón ba đợt phân hết từ tám đến 10 tấn phân các loại. Trong đợt bón phân năm nay đáng ra anh phải đầu tư 40 triệu đồng để mua hai tấn phân NPK, nhưng áp dụng giải pháp phối trộn chỉ hết 29 triệu đồng.

Anh Quốc cho biết, đến nay, vườn cà-phê của gia đình anh vẫn xanh tốt và năng suất chẳng thua kém so với năm trước. Ðiều đáng nói là việc sử dụng phân đơn phối trộn không chỉ giảm được chi phí đầu tư, mà còn phòng tránh được việc mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng. Theo các kỹ sư nông nghiệp thì việc sử dụng phân phối trộn còn làm tăng hàm lượng supe lân và bổ sung thêm các nguyên tố trung lượng khác như: Ca, S, Si, Mg... cho cây trồng. Với những lợi ích thiết thực đó nên trong vụ mùa năm nay nhiều hộ nông dân ở Ðác Nông đã áp dụng giải pháp sử dụng phân trong nước để phối trộn bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông Ðác Nông còn hướng dẫn các hộ nông dân chuyển từ chăm bón phân vô cơ sang dùng phân hữu cơ, nhất là phân chuồng bón cho các loại cây trồng để giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn giữ được vườn cây. Gia đình anh Nguyễn Văn Nội, ở thôn Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Ðác Song có bốn ha cây trồng gồm cà-phê, hồ tiêu, điều, cây ăn quả...

Những năm trước đây giá phân bón thấp nên anh chủ yếu mua phân vô cơ bón cho cây trồng. Năm nay do giá phân bón tăng quá cao, anh được Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật bón phân hữu cơ cho cây trồng nên đã giảm được chi phí đầu tư. Anh Nội cho biết: Mỗi đợt bón phân anh chỉ bón một tỷ lệ nhất định phân vô cơ cho cây đủ chất nuôi trái, còn chủ yếu là bón phân hữu cơ, bởi mỗi tấn phân chuồng chỉ 800 nghìn đồng, như vậy mỗi đợt bón năm tấn phân chuồng, đã giảm chi phí được khoảng năm triệu đồng, vậy chi mỗi năm bón ba đợt đã giảm được 15 triệu đồng, nhưng vườn cà-phê, hồ tiêu vẫn xanh tốt.

Tương tự gia đình chị Nguyễn Hoài Thu ở xã Nhân Cơ, huyện Ðác R'lấp vừa bón sáu tấn phân chuồng cho 1,5 ha cà-phê, trao đổi với chúng tôi chị Thu cho biết: Do giá phân bón trên thị trường tăng cao nên trong hai đợt bón phân trước gia đình tôi chỉ bón một ít phân vô cơ cho cây đủ chất, còn chủ yếu là bón phân chuồng, nhưng vườn cà-phê vẫn xanh tốt, hy vọng năm sau năng suất sẽ tăng cao. Cũng theo lời chị Thu thì trong đợt bón phân giữa mùa mưa vừa qua, một số hộ nông dân ở xã Ðác Wer, huyện Ðác R'lấp đã mua phải loại phân vô cơ kém chất lượng về bón cho vườn cà-phê của gia đình, làm cho cây cà-phê vàng lá, rụng trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cũng như chất lượng vườn cây. Chính vì điều đó và giá phân tăng cao nên trong thời gian qua nhiều hộ nông dân ở Ðác Nông đã chuyển từ phân vô cơ sang sử dụng phân chuồng, phân vi sinh bón cho vườn cà-phê, hồ tiêu vừa giảm chi phí sản xuất, vừa tránh phân giả ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

Theo các kỹ sư nông nghiệp thì vẫn phải dùng phân vô cơ để thúc cho cây cà-phê, hồ tiêu trong giai đoạn nuôi dưỡng quả và phục hồi sau khi thu hoạch, nhưng chỉ cần bón với một số lượng vừa đủ, còn bón phân hữu cơ là rất tốt, bởi tăng thêm dinh dưỡng cho cây trồng, đất lại phì nhiêu. Tuy nhiên, khi bón các loại phân hữu cơ, cần ủ cho thật hoai mới đem bón để hạn chế sâu bệnh và phát huy hiệu quả.



Nguồn: Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường