Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chạy đua... hơi chậm
02 | 12 | 2008
Từ 1.1.2009, VN mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc DN có 100% vốn nước ngoài cũng được tham gia thị trường. Trước bối cảnh này, DN trong nước "nửa mừng - nửa lo" khi cơ hội cạnh tranh đến gần, nhưng năng lực tài chính, quản lý lại đang rất hạn hẹp.
Nguy cơ trong tiềm năng

Năm 2006, Best Denki - một trong 5 nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản - đã tìm cách xâm nhập VN. Tại đây, Best Denki chọn Cty tiếp thị Bến Thành là đối tác nhượng quyền đầu tiên và lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ. Năm 2008, cái tên Best Carings ra đời tại VN.

Với sự hợp tác này, Best Carings nhận được sự hỗ trợ về quản trị DN, tiếp thị, đào tạo nhân lực... từ Best Denki. Ông Đặng Minh Đức - GĐ tiếp thị của Best Carings - cho biết: Best Denki và Carings đã sẵn sàng cho việc liên doanh.

Chỉ còn 1 tháng nữa là VN mở cửa thị trường này, song nhìn lại thì thấy các DNVN phải cạnh tranh dữ dội trên chính sân nhà. Dù có nhiều lợi thế, song đến nay VN mới chỉ có Co-op Mart, FiviMart, HaproMart là khẳng định sự hiện diện với tư cách là nhà bán lẻ đúng nghĩa. Trong khi đó, từ lâu các DN nước ngoài đã tìm cách vào VN. Với lợi thế "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" cùng kinh nghiệm quản lý vượt trội, Metro hay Big C... đang mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, hàng loạt các nhà bán lẻ khác như Dairy Farm, Wal-Mart và Carrefour... cũng đang tìm đường vào VN. Với diễn biến này, nguy cơ yếu thế khi chạy đua và tranh chấp thị trường của DNVN là hoàn toàn có thực. Trong khi đó, bản thân các chuyên gia thương mại trong nước và quốc tế đều cho rằng các DNVN đã chưa biết tận dụng lợi thế trong một thị trường đầy tiềm năng.

Đừng đánh mất lợi thế

Điều đáng mừng là thị trường bán lẻ VN đang có một động lực mạnh mẽ. Với Best Carings, DN này đang chạy đua mở thêm 10 siêu thị bán lẻ tại các thành phố lớn; hướng đến mục tiêu chiếm 5% của doanh thu hơn 3 tỉ USD từ thị trường bán lẻ VN vào năm 2012. Với Co-opMart và DN khác, nửa cuối 2008 thực sự là cuộc cạnh tranh quyết liệt để mở rộng quy mô cửa hàng, địa điểm kinh doanh và bành trướng thị phần và mở rộng hệ thống.

Đặc biệt, các DNVN cũng đang chiếm lĩnh một số lợi thế trong đàm phán giá cả với các tập đoàn sản xuất, nhằm mang đến cho NTD VN sản phẩm giá rẻ, dịch vụ tốt và uy tín.

Tuy vậy, theo tính toán của các chuyên gia, thì những "bàn thắng" này sẽ rất dễ bị san hoà. Cụ thể, ngoài bất lợi về địa điểm kinh doanh thì các tập đoàn khác có thừa lợi thế về tài chính, quản trị DN, lợi thế đàm phán giá cả và kinh nghiệm phân phối chuyên nghiệp.

Thế nhưng, trong khi các DNVN đang chạy đua ở những khu vực trung tâm thì nhà bán lẻ nước ngoài hoàn toàn có thể khai thác thị trường mới ngoại ô, vùng ven, khu đô thị mới... nơi mà DNVN gần như bỏ ngỏ.

Thực tế, Metro và BigC đã thành công với điều này. Thậm chí, có chuyên gia còn tiên liệu khi đời sống nâng lên, thị trường phát triển thì việc mua sắm gần trung tâm nhưng lại thiếu chỗ đỗ xe chính là sự bất lợi. Vì thế sẽ là sai lầm nếu không sớm quan tâm đến thị trường vùng ven với lợi thế đất rộng, kho bãi, vận chuyển, chỗ đậu xe... phù hợp.

Mặc dù thời điểm 1.1.2009 đã đến gần, song các chuyên gia cho rằng, các DN nước ngoài vẫn còn mất 1 - 2 năm đầu để xâm nhập thị trường. Chính vì thế, DNVN vẫn còn thời gian cho công tác chuẩn bị trước khi bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, từ khoảng năm 2011 - 2012. Nếu không "đánh thắng" được trong giai đoạn nước rút này, nguy cơ liên doanh, sáp nhập hoặc phá sản sẽ là điều khó tránh khỏi.

Thị trường lớn: VN có khoảng 85 triệu dân. Đây là con số mơ ước đối với bất kỳ nhà bán lẻ nào. Năm 2007, tổng doanh thu bán lẻ đạt 44 tỉ USD. 11 tháng 2008, doanh thu tăng trên 30,7% so với cùng kỳ. VN có 400 siêu thị, 60 trung tâm thương mại. Dự kiến năm 2010, số siêu thị sẽ tăng hơn 62%, số trung tâm thương mại sẽ tăng 150%. (Nguồn: Bộ Công Thương)



(www.laodong.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường