Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bà Rịa Vũng Tàu: Rau xanh từ vườn ra chợ - Giá tăng gấp 2-3 lần
02 | 12 | 2008
Gần đây, nhiều vùng trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chuyển sang trồng rau xanh mang lại thu nhập cho người nông dân cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, nhìn vào giá cả và thị trường rau hiện nay, có thể thấy vẫn còn một sự bất hợp lý trong việc phân chia lợi nhuận giữa người trồng rau và thương lái.

Mua rẻ, bán đắt

Thời điểm này, tại các chợ trên địa bàn TP.Vũng Tàu giá rau, củ vẫn còn ở mức cao so với mọi năm. Cụ thể: cải xanh 12.000 đồng/kg, cải nhúng 11.000 đồng/kg, bí đao 10.000 đồng/kg, cải bắp 15.000 đồng/kg; các loại rau thơm như: húng, ngò rí 40.000 đồng/kg. Thế nhưng, tại các ruộng rau trên địa bàn tỉnh, thương lái thu mua rau của bà con nông dân với giá không cao hơn nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái. Cụ thể, bí đao, khổ qua, mướp… 5.000 đồng/kg, ngò rí 20.000 đồng/ kg, các loại rau thông thường như: mồng tơi, rau dền, cải ngọt... có giá bình quân 5.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Phương, ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành cho biết, hiện tại, bí đao tại chợ bán 10.000 đồng/kg, nhưng thương lái chỉ mua 5.000 đồng/kg, còn các loại rau khác có loại mua tại vườn 6.000 đồng/kg nhưng giá bán tại chợ là 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, sản xuất rau gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi và mức đầu tư ban đầu để trồng rau tăng rất nhiều (giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các vật liệu che phủ, giống cây, dịch vụ làm đất... đều tăng). Riêng với quy trình sản xuất rau an toàn chưa tính công chăm sóc, bảo vệ mức đầu tư còn tăng thêm khoảng 20% nữa.

Chi phí sản xuất tăng, giá rau nông dân bán ra tuy có nâng lên so với trước đây nhưng không nhiều. Trong khi nông dân tăng giá một thì các thương lái tăng hai, đến các sạp rau tại các chợ lại tiếp tục tăng giá. Vì vậy, khi đến tay người tiêu dùng giá rau tăng gấp 2-3 lần so với giá gốc. Theo tính toán của người trồng rau, cứ 1kg rau ăn lá thông thường, người trồng chỉ có lãi 700-800 đồng, còn lợi nhuận của các tiểu thương gấp 5-6 lần. Mấy tuần qua, các bà nội trợ hầu như ai cũng bị “sốc” khi đi chợ thấy giá rau củ tăng đột biến. Người bán rau giải thích do mưa nhiều, nguồn cung khan hiếm, chi phí vận chuyển tăng cao... Người trồng rau thừa nhận, thời gian qua có mưa nhiều, nhưng sản lượng rau giảm không đáng kể. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có 6.945 ha đất trồng rau, năng suất bình quân 14,2 tấn/ha, sản lượng đạt 106.115 tấn/năm, đáp ứng 76% nhu cầu tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh khác như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng). Thời gian qua, giá cả loại rau củ nhập từ tỉnh khác không tăng nhiều so với rau trồng tại địa phương.

Nếu đổ lỗi cho chi phí vận chuyển thì cũng không đúng, vì trong tháng qua, giá xăng dầu đã giảm, trong khi đó, các vùng rau trong tỉnh không xa, thương lái vận chuyển rau chủ yếu bằng xe máy. Vùng trồng rau gần nên thời gian lưu giữ và vận chuyển cũng rất ngắn, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Điều này cho thấy, thị trường rau hiện nay còn chứa đựng sự bất hợp lý về giá cả đầu vào, đầu ra. Và có thể khẳng định “cơn sốt” giá rau thời gian gần đây phần lớn do tiểu thương cố tình nâng và giữ giá.

Khi nông dân ra chợ...

Nhiều người trồng rau nhận ra sự chênh lệch lớn giữa giá rau bán tại ruộng và giá ở chợ, nên tranh thủ thời gian mang thẳng rau ra chợ để bán. Mặc dù không thể giải quyết hết lượng hàng, nhưng cách làm của người nông dân đã giúp họ có thêm thu nhập và giúp người tiêu dùng mua được giá rẻ hơn. Tuy vậy, do không phải là dân buôn chuyên nghiệp nên đa số nông dân không có chỗ kinh doanh cố định, phải bán hàng ngay trên xe, trên hè chợ, hoặc phải “bán chạy” nên rất vất vả. Để kiếm thêm một đồng lợi nhuận họ phải thức khuya, dậy sớm nhưng không phải ai cũng làm được, vì thế, những gánh rau “quê” đến được với người tiêu dùng không nhiều.



khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường