Phát biểu tại diễn đàn, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội cho rằng thắt chặt tiền tệ là đúng nhưng phải linh hoạt, không nên thắt chặt đồng loạt như vừa qua.
"Cần sớm xem lại chính sách này vì vừa qua theo chính sách này thì hàng loạt ngân hàng đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp và các dự án về tỷ lệ lãi suất và nguồn tín dụng dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, nhiều dự án thiếu vốn đầu tư, dù đã tổ chức đấu thầu thực hiện mà không có vốn trả cho nhà thầu, không trả cho ngân hàng thì không được vay, bị xiết nợ”, bà nói .
Theo bà Loan, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong tình trạng khốn đốn có nguy cơ phá sản và Chính phủ cần đề ra chính sách cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp, xác định ngành nghề gì, loại hình doanh nghiệp nào cần ưu tiên.
Một số giải pháp đúng đắn sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay như tăng vốn khả dụng cho ngân hàng thương mại để đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất công - nông - lâm nghiệp, thủy hải sản.
Bất ổn kinh tế thế giới và nguy cơ đình trệ của nền kinh tế khiến cho nhiều doanh nghiệp lo ngại về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Theo thống kê của Ban thư ký VBF, năm 2007 chỉ có 5,3% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh ở mức kém trong khi năm 2008 tỷ lệ này lên tới 30% trên tổng số 254 doanh nghiệp tham gia điều tra về cảm nhận môi trường kinh doanh.
Cũng do ảnh hưởng của biến động kinh tế vĩ mô, 22% doanh nghiệp trong điều tra năm nay cho rằng sẽ không có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong ba năm tới, so với tỷ lệ 10% năm 2007.
Hơn thế nữa, 73% doanh nghiệp được hỏi (cả trong và ngoài nước) cho biết các khó khăn kinh tế vĩ mô đã tác động tiêu cực tới hoạt động của họ và chỉ có 13% doanh nghiệp tỏ ra lạc quan về triển vọng của những năm tới.
Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản qua khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế (JBIC) phàn nàn về những nút thắt cổ chai của Việt Nam, trong đó lớn nhất là cơ sở hạ tầng kém (chiếm 43,1% số khảo sát), nhân sự (chiếm 31,9%).
Nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đầu tư chủ yếu vẫn vì lao động giá rẻ là chính nhưng nguồn lực lại chưa đáp ứng được.