Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngừng xuất khẩu gạo, tập trung cứu lúa
31 | 08 | 2007
Trước tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên diện rộng, để bảo đảm an ninh lượng thực và nhằm ổn định giá cả thị trường, ngày 12/11/2006 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngừng ngay việc xuất khẩu gạo trừ các hợp đồng đã ký kết theo chủ trương của Chính phủ (với Cuba và Indonesia) mà tàu đã cập cảng Việt Nam trước 12/11.

Công điện cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua vét hàng đầu cơ, nâng giá và trực tiếp chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết về điều hành lưu thông thị trường.

Theo thống kê, đến nay cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 4,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD so với chỉ tiêu đề ra trước đây là xuất khẩu 5 triệu tấn gạo, kim ngạch 1,4 tỷ USD.

Trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã dồn dập xuất khẩu đạt 3,755 triệu tấn, giá xuất khẩu bình quân đạt 252 USD/tấn, trong đó hợp đồng tập trung chiếm 43,28% tổng số xuất khẩu. Khi nguồn gạo xuất khẩu tiếp tục còn trông chờ vào vụ lúa hè thu và thu đông đang và sắp thu hoạch thì giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tới nay đã tăng lên 290 USD/tấn, gạo 25% tấm lên hơn 265 USD/tấn.

Vào thời điểm đầu quý III, theo đánh giá của Hiệp hội lương thực Việt Nam, căn cứ vào lượng lúa thu đông và lúa mùa, cùng với lượng gạo NK theo đường tiểu ngạch từ biên giới Campuchia sang, Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn gạo để xuất khẩu đủ chỉ tiêu 5 triệu tấn.

Thế nhưng dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa ở ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ lại ngày càng lan rộng, nguy cơ có thể gây mất mùa cho vụ lúa chính là vụ đông xuân sắp đến.

Tại miền Đông Nam Bộ (từ Ninh Thuận đến Tp.HCM) đang gieo trồng 192.677 ha lúa mùa. Các tỉnh ĐBSCL đã gieo trồng tổng cộng 347.848 ha lúa mùa, đã thu hoạch hiện còn trên đồng gần 285.000 ha. 328.719 ha lúa thu đông đã gieo trồng hiện còn trên đồng gần 69.500 ha. Trừ các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Cà Mau, 8 tỉnh còn lại trong vùng ĐBSCL đã gieo sạ tổng cộng 222.722 ha lúa đông xuân sớm.

Như vậy tổng diện tích lúa còn hiện diện trên đồng ruộng đến ngày 12-11 là 769.598 ha. Lúa thu đông và lúa mùa đã thu hoạch cho thấy năng suất giảm sút đến khoảng 30%, chỉ còn từ 3,3-3,5 tấn/ha.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, riêng ở ĐBSCL, tổng sản lượng lúa cả năm 2006 bị giảm so với 2005 lên đến 828.000 tấn, trong đó hơn một nửa là do dịch bệnh, còn lại do giảm lúa thu đông.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật đến nay cả 2 khu vực của Nam Bộ đã có 76.750 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, trong đó có 5.744 ha đã phải tiêu hủy. Qua Hội thi nông dân sản xuất lúa giỏi vùng ĐBSCL tổ chức ngày 10-11 cho thấy gần như nông dân đã nhận thấy rất rõ nguy cơ dịch bệnh nên thường xuyên thăm đồng, am hiểu các biện pháp trị bệnh cứu lúa. Các địa phương đến nay đã chi gần 4,8 tỷ đồng từ ngân sách về tiền thuốc và chi phí phun thuốc chống rầy nâu.

Thế nhưng mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu lan truyền lại ủ bệnh, biến tính phức tạp. Nguyên do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do virus gây ra hiện không có thuốc đặc trị. Theo kết quả do các chuyên gia Viện lúa quốc tế giám định, tỷ lệ rầy nâu mang virus phát hiện đến nay là 70%, do vậy khoảng 60% mạ mùa và trên 80% lúa mùa mới cấy, lúa vừa sạ 20 ngày tuổi đều bị nhiễm virus!

Trong tình thế nguy hiểm cho cây lúa như hiện nay, cùng với biện pháp sử dụng thuốc hóa học (được cấp miễn phí) để tiêu diệt rầy nâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trương khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp có hiệu quả để tiêu diệt, ngăn chặn bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá phát triển.

Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt đã giới thiệu Công ty CP Thanh Hà có trụ sở ở Hà Nội mang các chế phẩm sinh học như KH, AH, NH do đơn vị liên kết sản xuất, tự bỏ kinh phí vào đồng ruộng Long An thử nghiệm.

Ngày 31/10 Chi cục Bảo vệ thực vật Long An qua kiểm tra đã nhận xét các đám ruộng bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá với tỷ lệ trước đó là 26,8% nhưng qua 2-3 lần phun thuốc sinh học, cây lúa bị bệnh đã vươn cao hơn, ra lú non, rễ trắng phát triển khá.

Một tuần sau, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia đến tận nơi ghi nhận đám ruộng vốn bị bệnh nay đã trổ bông trĩu hạt. PGS.TS Mai Thành Phụng, thành viên ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ các nhà khoa học, doanh nghiệp tìm ra các chế phẩm có hiệu quả phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Ngày 18/11 tại thị xã Vĩnh Long, Trung tâm khuyến nông quốc gia sẽ mở một diễn đàn khoa học công nghệ bất thường để ghi nhận những giải pháp hữu hiệu cứu lúa.



(Theo TBKTVN)
Báo cáo phân tích thị trường