Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần có lộ trình thay thế thuyết phục giống lúa IR50404 và OM576
05 | 12 | 2008
Thực tế diện tích sử dụng giống IR50404 và OM576 đứng thứ nhất nhì ở nhiều nơi tại ĐBSCL, lúa đang bị “ế ẩm” vì gạo có chất lượng không cao. Nhưng chưa có mô hình sản xuất đại trà nào giới thiệu những giống lúa thay thế một cách thuyết phục 2 giống lúa trên.

Bây giờ bà con nông dân lại đua nhau “ồ ạt” mở rộng diện tích lúa thơm, liệu năng suất và sản lượng có ổn định không, giá cả sẽ ra sao khi yêu cầu của thị trường với gạo thơm hạn chế? 

Giống lúa IR50404 nhập từ Viện Lúa QT, do những ưu điểm ngắn ngày và dễ sản xuất, nhiều cơ quan đã nghiên cứu từ cuối thập kỷ 80, đến 1992 thì được công nhận giống cho sản xuất do Viện Khoa học KTNN Miền Nam giới thiệu. Đến nay, đã có 3 lần xuất khẩu gạo khó, cũng là 3 lần IR50404 bị phê phán “lên bờ xuống ruộng” do khó bán, đến mức có vị đề nghị truy cứu trách nhiệm ai là người giới thiệu.

Tuy nhiên, sau những lần bị phê phán, diện tích sử dụng giống này có giảm, nhưng rồi lại tiếp tục ngóc lên đứng hàng thứ nhì, thứ nhất về diện tích sử dụng ở ĐBSCL mặc dầu giống không nằm trong danh sách khuyến cáo trước mỗi vụ; việc sử dụng giống IR50404, OM576 và các giống lúa khác là do nông dân tự cân nhắc và quyết định.

Giống lúa OM576 lai tạo bởi kỹ sư Kiều Thị Ngọc (nay là tiến sỹ), được Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu vào sản xuất từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước. Thật ra, sau khi phóng thích chúng tôi quên luôn giống này. Chính bà con nông dân ở tỉnh Minh Hải (cũ) lúc đó đã tự mở rộng diện tích sử dụng giống này từ những cánh đồng có nhiều lung đìa, và tự đặt tên là giống “Hầm trâu”, vì có nơi giống phát triển tốt ngay ở hầm (vũng) trâu đầm. Từ đó, lan rộng ra các tỉnh.

Vào 9, 10 năm trước đây, TT Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Quốc gia cùng với các địa phương điều tra thống kê các giống lúa dùng trong sản xuất đại trà, xác định 10 giống lúa chiếm diện tích rộng nhất từ cao xuống thấp ở ĐBSCL theo thứ tự sau: OM1490, IR50404, OM576, OMCS2000, VND95-20, IR64, AS996, MTL250, OM2031, Jasmine.

Cũng theo Trung tâm này, trong 10 giống lúa chiếm diện tích rộng nhất vùng ĐBSCL năm 2007, thì IR50404 vẫn đứng đầu cả 3 vụ, giống OM576 trong vụ ĐX đứng thứ 5, sang vụ HT thứ 3, và ở vụ TĐ đứng thứ nhì. Giống ở hạng “top ten” được sử dụng trong vụ thu đông 2007, thường được lấy hạt giống cho vụ tiếp, theo thứ tự là: IR50404 (chiếm 13% diện tích), OM576 (7,8%), OM2517, Jasmine 85, OM1490, VND95-20, OM2717, OM3536, OM4498, OMCS 2000.

Cần đầu tư cho việc thống kê diện tích sử dụng giống lúa như trên nhằm cung cấp thông tin thiết thực kịp thời cho nông dân, cho cán bộ chỉ đạo sản xuất, và cho cả nhà tạo chọn giống mới. Việc này càng cần thiết với các địa phương.

Từ hơn 2 thập kỷ qua, những khuyến cáo cho sản xuất theo các mức độ: các giống chủ lực, giống bổ sung và giống triển vọng, trong số hàng trăm giống sản xuất đại trà. Những giống được xếp thứ hạng cao thường trải qua “thử thách” từ những thứ hạng thấp, nhất là những giống  tồn tại lâu trong sản xuất, như 2 giống trên hoặc giống IR64 được phóng thích từ giữa thập kỷ 80, giống OMCS 2000 từ năm 2000.

Nhìn qua giá gạo bán lẻ cũng thấy để nâng cao hiệu quả cơ cấu giống lúa phải theo hướng giảm diện tích IR50404 và OM576. Thời điểm cuối tháng 11, gạo IR50404 có giá 4.300-4.500 đ/kg, OM576 có giá 6.200 đ/kg; trong khi giá 1 kg gạo Jasmine (bảng ghi gạo thơm Mỹ) là 10.000 – 12.000 đồng; gạo VD20 (thơm Đài Loan) 15.000 đồng. Để tăng hiệu quả cơ cấu giống lúa, ngoài việc đẩy mạnh việc tạo chọn và chuyển giao vào sản xuất giống lúa mới, cần có đề tài phục tráng những giống được dùng lâu dài trong sản xuất đại trà như IR50404 và OM576.

Trong chuyến đi An Giang vừa qua, tôi được GĐ TT Khuyến nông An Giang Huỳnh Hiệp Thành dẫn đến cơ sở sản xuất kinh doanh giống lúa của anh Nguyễn Thiện Tâm ở Tri Tôn, được xem bông lúa, hạt lúa, hạt gạo và ăn cơm gạo IR50404 trắng hơn, dẻo hơn, do An Giang phục tráng cải thiện.



Nguồn: nongnghiepvietnam
Báo cáo phân tích thị trường