Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị "Đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp - nông thôn Việt Nam"
06 | 12 | 2008
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp - nông thôn Việt Nam”. Tham dự Hội nghị có 80 đại biểu đại diện lãnh đạo VP. Trung ương Đảng, VP. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế thế giới; các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng, Ban, Trung tâm trực thuộc Bộ; Viện Chính sách và chiến lược PTNT; Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam; các Tổng công ty: Cà phê, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Chè, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Rau quả nông sản; các Hiệp hội: Lương thực, Cà phê - Ca cao, Cao su, Hồ tiêu, Chè, Chăn nuôi, Gỗ và Lâm sản, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, tác động đến mọi mặt của nền kinh tế trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài và phức tạp, Bộ có trách nhiệm phải làm rõ ảnh hưởng của khủng hoảng đến nông nghiệp - nông thôn nói chung, đặc biệt là tác động đến những nhóm ngành hàng lớn để tìm ra các giải pháp nhằm thích ứng và chống đỡ".
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị triển khai một số giải pháp sau:

- Về công tác điều chỉnh cơ cấu sản xuất: các Cục phải dành sự quan tâm, theo dõi sát sao có dự báo, điều chỉnh dự báo kịp thời, chủ động đánh giá tác động ảnh hưởng đến lĩnh vực đơn vị phụ trách, để có đề xuất điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với thị trường, trước hết là cây lúa, cà phê, cao su... để chỉ đạo các địa phương triển khai.

- Về kỹ thuật để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản: các Cục nghiên cứu đề xuất điều chỉnh các giải pháp về kỹ thuật để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản (giảm giá thành, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… ).

- Giải pháp về hỗ trợ nông dân, các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ: các Hiệp hội tổng hợp, báo cáo Bộ các kiến nghị cụ thể; các đơn vị chủ động làm việc với các Hiệp hội có đề nghị cụ thể đối với từng loại hàng hoá nông sản để Bộ làm việc với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết. Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thuỷ sản và Nghề muối triển khai mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá, nhất là xuất khẩu.

- Tăng cường công tác thống kê, thông tin dự báo thị trường: phân công thực hiện công tác dự báo, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn làm công tác dự báo dài hạn.

- Giải pháp sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các địa phương đánh giá làm rõ các khó khăn của các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nông nghiệp, nông thôn, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


Nguồn: TTKNKNQG
Báo cáo phân tích thị trường