Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Bài toán giá trị
08 | 12 | 2008
Việt Nam nên theo đuổi chiến lược gạo xuất khẩu nào, năng suất hay chất lượng? Thái Lan điều hành tình trạng xuất khẩu lúa gạo khác với chúng ta thế nào?... Mời bạn đọc theo dõi phần giải đáp của chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn.
Gạo xuất khẩu nước ta đa phần chất lượng không cao, nhưng có một thực tế là giống lúa chất lượng không cao lại cho năng suất cao và ngược lại. Vậy nước ta nên theo đuổi chiến lược gạo xuất khẩu nào, năng suất hay chất lượng?- Cách đây chừng mươi năm, Bộ Nông nghiệp có chủ trương chuyển một số diện tích trồng lúa từ lúa thường sang lúa chất lượng cao, nhưng do giống lúa chất lượng cao thường năng suất không cao và dễ bị sâu rầy, nên nhiều người không mặn mà. Một số nhà khoa học cho rằng phải trồng giống lúa năng suất cao, kháng rầy tốt, dù chất lượng không cao, để xuất khẩu sang các nước nghèo thuộc châu Phi.

Hiện nay diện tích lúa đạt chất lượng xuất khẩu chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo trồng (khoảng 4,1 triệu hecta), còn khoảng 30% trồng giống lúa IR 50404 kháng rầy năng suất cao (cũng “ăn” phân bón rất dữ). Thực tế cho thấy gạo năng suất cao không ngon, bạc bụng nên ít người mua, nên rõ ràng đã “lợi bất cập hại”.

Hiện chương trình 200 ngàn hécta lúa chất lượng cao được quan tâm trở lại. Lúa Nàng thơm đâu chỉ trồng được ở Chợ Đào! Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều địa phương có thể trồng được loại lúa này với năng suất 6 tấn/ha. Lúa chất lượng cao dù năng suất không cao bằng nhưng bù lại cho gạo giá trị cao và cần ít phân bón hơn. Chúng ta cũng đã nghiên cứu để cho ra nhiều giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu kháng được sâu bệnh. Vấn đề là chưa được nhanh chóng nhân giống, phổ biến.

Có lẽ chúng ta cần bỏ ngay lối suy nghĩ thành tích xuất khẩu thông qua con số triệu tấn. Nhà nước muốn gì ở chương trình xuất khẩu gạo? Rõ ràng là muốn giá trị, xuất khẩu tính bằng USD chứ đâu tính bằng tấn gạo? Hiện xuất khẩu chúng ta khoảng 1,5 tỉ USD/năm, vậy thử đặt mục tiêu 2 tỉ USD đi. Hai tỉ USD đó không có nghĩa là phải xuất 5 triệu tấn gạo, mà ít hơn nhiều cũng được, miễn là thu được giá trị đó. Đây là bài toán giá trị chứ không phải số lượng.

Trong khi Thái Lan thấy giá gạo xuất khẩu xuống dưới 450 USD/tấn thì họ không xuất nữa, nhưng vẫn mua của nông dân với giá tương đương 550 USD/tấn, đợi giá lên trên 550 USD/tấn mới bán ra, thì chúng ta lại mua lúa của nông dân với giá rẻ để xuất đi giá rẻ, làm thiệt hại cho nông dân!

Như vậy đã có sự khác biệt trong cách điều hành tình trạng xuất khẩu lúa gạo nói chung, an ninh lương thực nói riêng giữa Thái Lan và Việt Nam?

- Đúng vậy. Ở Thái Lan có một Quỹ dự trữ quốc gia, dưới đó là Cục dự trữ lúa gạo lo việc an toàn lương thực. Quỹ dự trữ này có nguồn vốn là ngân sách, có thể vay vốn của các ngân hàng, được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn lương thực trong nước, điều hòa lương thực tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Họ mua lúa của nông dân với giá hợp lý, tồn trữ bảo quản trong hệ thống kho (silo), sau đó tùy thời điểm sẽ mua đi bán lại (đảo kho) nhằm bảo đảm quyền lợi của nông dân và ổn định giá cho người tiêu thụ, dĩ nhiên họ cũng có thể kiếm lời. Bên cạnh chất lượng, chính điều này đã giúp gạo Thái Lan luôn có giá cao hơn gạo Việt Nam trên dưới 100 USD/tấn.

Trong khi đó, Việt Nam giao việc xuất khẩu gạo và điều hòa an ninh lương thực cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). VFA có lẽ chỉ chuyên tâm làm kinh doanh (thu mua xuất khẩu) mà xem nhẹ nhiệm vụ an toàn lương thực quốc gia. Đến nay qua tình hình thị trường lúa gạo, có thể thấy hình như VFA thiếu một kế hoạch an toàn lương thực cho từng tháng trong năm, đặc biệt là cho những tháng thu hoạch rộ và tháng giáp hạt để tiến hành thu mua và đảo kho. Cách làm việc cũng rất thụ động, chỉ khi Thủ tướng nói xuất tiền thu mua lúa của dân thì mới đi mua (làm như đây là nhiệm vụ của Thủ tướng!).

Chiến lược nông nghiệp-nông thôn và nông dân của chúng ta nói đến việc hợp tác bốn nhà, nhưng trong thực tế trồng giống gì, bán ra sao, chủ yếu là do nông dân tự lo. Nhà nước chưa đầu tư kho dự trữ lớn, nhà khoa học thường dừng lại ở nghiên cứu hoặc chậm triển khai, nhà doanh nghiệp thì chỉ chăm chút cho quyền lợi trước mắt của riêng mình, trong khi nhà nông tự nhân giống hoặc tự tìm giống, sản xuất ra thì không có kho dự trữ, phải bán lúa ngay để lấy tiền trả nợ, đầu tư làm vụ kế tiếp nên buộc phải bán theo giá của doanh nghiệp đặt ra.

Không hiểu với 6.000 tỉ đồng mà Nhà nước sắp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ đi vào đâu?


Xem tin gốc tại đây:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=291429&ChannelID=11



Báo cáo phân tích thị trường