Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thủy sản mắc cạn
08 | 12 | 2008
Khủng hoảng kinh tế thế giới đã gây những tác động lớn đến ngành thủy sản. Thị trường xuất khẩu đình trệ, nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản tại ĐBSCL đang lâm vào cảnh khốn đốn.

Tôm: tiến thoái lưỡng nan

Bà Âu Ngọc Vững, Giám đốc Công ty cổ phần XNK Âu Vững (xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, Bạc Liêu), cho biết hiện tình hình hoạt động của DN trở nên vô cùng khó khăn. Thị trường xuất khẩu dần thu hẹp, lượng hàng tồn kho quá lớn. Đặc biệt, nguồn vốn sản xuất không đảm bảo. Hiện nay lãi suất cho vay của ngân hàng dù đã điều chỉnh giảm nhưng thủ tục vay lại quá rắc rối, phải có tài sản thế chấp mới được vay trung, dài hạn, còn không chỉ vay được ngắn hạn. Trong khi đó nguồn vốn tự có của DN lại không đủ, thiếu vốn để mua hàng dự trữ, phải cắt giảm các hợp đồng xuất khẩu, giảm bớt lao động. Theo ông Quách Văn Đua, Giám đốc Công ty XNK tổng hợp Giá Rai (thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai, Bạc Liêu), hiện công ty chỉ có thể hoạt động cầm chừng để giữ khách hàng, giữ công nhân lao động. Việc đồng USD rớt giá cũng làm các DN xuất khẩu tôm điêu đứng. Hiện các DN đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, xuất khẩu tôm thì lỗ, còn ngưng hoạt động sẽ mất khách hàng, mất công nhân.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK Minh Hải (Cà Mau), nhận định ngày càng nhiều thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam giảm sức tiêu thụ, nhất là hai thị trường lớn Mỹ và Nhật. Để tiếp tục hoạt động, nhiều DN xuất khẩu tôm phải tìm kiếm mở rộng thị trường sang Nga, Úc, Hàn Quốc... chưa kể còn gặp sự cạnh tranh quyết liệt của các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc...

Theo ông Dương Ngọc Minh, biện pháp tự cứu mình trước tiên là tìm cách giảm chi phí. Công ty CP Hùng Vương đã chủ động nhập nguyên liệu về tự chế biến thức ăn cho cá để giảm giá thành. Ngoài ra chỉ còn cách tinh gọn lực lượng lao động, đây là điều nan giải vì tác động lớn đến xã hội. Hiện đã có một số DN giảm lao động ngay từ bây giờ để né gánh nặng lương, thưởng vào dịp Tết sắp tới. Công ty CP Nam Việt (An Giang) với hơn 10.000 lao động, song 4 nhà máy của công ty đã phải giảm đến 5.000 công nhân.
 
Theo ông Hải, điều đáng lo nhất là vụ mùa năm 2009 sản lượng tôm nuôi sẽ giảm rất mạnh, không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu của các DN khi thị trường có cơ hội trở lại. Tình trạng giá thành sản xuất của vụ mùa năm 2008 cao hơn giá sản phẩm bán đã khiến phần lớn người nuôi tôm thua lỗ. Do đó, trong quý I/2009, sẽ xuất hiện tình trạng treo hồ, ngưng nuôi.

Cá: Kêu cứu

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương (KCN Mỹ Tho) tính toán nếu như trước đây 1 euro đổi được 1,5 USD thì bây giờ chỉ còn 1,22 USD. Do vậy, giá cá và chả cá nhập từ Việt Nam vào các nước châu Âu đội lên khoảng 20%, người tiêu dùng các nước này đang gặp khó vì khủng hoảng kinh tế sẽ càng không chấp nhận. Tương tự, thị trường các nước Nga, Ukraine, Ba Lan cũng nhập cá tra khá lớn, nhưng do đồng tiền của các nước này cũng bị mất giá trên 30%, giá sản phẩm nhập khẩu trở nên đắt, rất khó tiêu thụ. Cuộc khủng hoảng tài chính cũng khiến các DN nhập khẩu nước ngoài không được ngân hàng bảo lãnh mở L/C (thư tín dụng), và các ngân hàng còn mạnh tay thu hồi nợ cũ khiến các nhà nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh nên các DN vẫn không thể đẩy mạnh thu mua cá tra ở ĐBSCL. Hậu quả là giá cá trong lứa (dưới 1 kg/con) hiện chỉ còn 13.500 - 14.000 đ/kg, cá quá lứa chỉ còn 12.000 - 12.500 đ/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành. Dự kiến đến hết năm nay, doanh số xuất khẩu cá tra, cá basa sẽ đạt 1,4 tỉ USD, nhưng theo ông Dương Ngọc Minh, nếu không có biện pháp cứu nguy cho ngành thủy sản, doanh số xuất khẩu năm tới sẽ khó đạt được 1 tỉ USD do người nuôi cá thua lỗ lớn, từ 4 tháng qua người dân đã “treo ao” không nuôi cá nữa.

Tình hình này khiến các nhà máy sản xuất thức ăn cũng hoạt động chừng 20% công suất, nhà máy chế biến xuất khẩu đang hoạt động cầm chừng và sắp tới người lao động bị thất nghiệp hàng loạt. Các chuyên gia dự báo lao động trong ngành chế biến cá tra xuất khẩu sẽ giảm từ 20-30% vào đầu năm 2009.

 



Nguồn: thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường