Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Khâu quảng bá của doanh nghiệp Việt ở Mỹ còn kém”
29 | 07 | 2007
Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ cho biết sẵn sàng nhập hàng Việt Nam, nhưng họ vẫn chưa có được nhiều thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp Việt.

Đó là thông tin từ ông Phillipe W. Byrd, Tổng giám đốc Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ (AIA). Ông vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

Tổng thống Hoa Kỳ sẽ sang thăm Việt Nam trong vài ngày tới. Là đại diện của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, ông đánh giá chuyến đi này tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ?

Chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam là dấu hiệu tốt cho Việt Nam bởi lẽ, cùng đi với tổng thống là hàng loạt các hãng truyền thông lớn trên thế giới như CNN và khi đó hình ảnh của Việt Nam sẽ được biết đến nhiều trên thế giới.

Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Điều này tạo ra những lợi thế cho Việt Nam, đó là hàng hóa giá rẻ, thương mại sẽ gia tăng và tâm lý thân thuộc của thế giới đối với Việt Nam. Đó là điều mà trước đây không dễ gì làm được.

Cả hai sự kiện: trở thành thành viên WTO và chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ thực sự tạo ra hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi, những nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, cũng thấy sức hút của hàng Việt Nam và những dấu hiệu tích cực nói trên mở ra những cơ hội mới cho những nhà nhập khẩu Mỹ. Chính vì vậy mà chúng tôi đã có mặt tại đây để nghiên cứu những hàng hóa giá rẻ và chất lượng.

Trong thời gian qua, ông đã tìm hiểu về thị trường Việt Nam và sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Ông có suy nghĩ gì về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu của sản phẩm Việt Nam sang Mỹ?

Tôi đã có thời gian tìm hiểu về sản phẩm, thậm chí cả con người Việt Nam trong thời gian tôi ở đây. Nhận định chung của tôi về Việt Nam là rất tích cực.

Với nhận định này, trước tiên tôi sẽ làm một báo cáo và gởi cho các thành viên trong Hiệp hội ngay sau khi tôi trở lại Mỹ. Sau đó tôi sẽ kêu gọi các nhà nhập khẩu Mỹ làm một cuộc nghiên cứu thị trường ở Việt Nam.

Theo đánh giá của tôi, hàng hóa của Việt Nam có những lợi thế ở một số mặt hàng chính là trang trí nội thất, giày dép, dệt may, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ và hàng quà tặng. Những mặt hàng này Việt Nam bị cạnh tranh nhiều bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, tuy nhiên vẫn có nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Bằng chứng là khi chúng tôi làm một khảo sát trên 100 nhà nhập khẩu trong Hiệp hội về hàng hóa Việt Nam, có 78-79% nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trả lời rằng họ sẵn sàng nhập hàng từ Việt Nam để phân phối trên thị trường Hoa Kỳ.

Con số này tương đương đối với sản phẩm từ Mexico nhưng thấp hơn đối với Trung Quốc 89% và cao hơn Nigeria 18%. Ngoài ra, những mặt hàng khác cũng có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ như hàng công nghiệp, sản phẩm hoặc thực phẩm của thiểu dân vì Mỹ thuộc đa sắc tộc nên họ cũng thích thưởng thức sản phẩm lạ.

Tuy nhiên, hiện nay trong số các thành viên của AIA, chưa có nhiều nhà nhập khẩu Hoa Kỳ thường xuyên mua hàng từ Việt Nam. Theo ông là vì sao? Để cải thiện điều này doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Tôi không biết chính xác có bao nhiêu nhà nhập khẩu của Mỹ mua hàng thường xuyên từ Việt Nam, nhưng qua khảo sát chỉ có hai doanh nghiệp nói rằng họ mua thực phẩm của Việt Nam. Đây quả là con số khá nhỏ.

Lý giải điều này, tôi nhận thấy có những nguyên nhân như sau. Thứ nhất, có nhiều nguời Việt Nam định cư ở Mỹ và họ nhập hàng trực tiếp từ Việt Nam mà không qua các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Thứ hai, các nhà nhập khẩu chưa biết nhiều về sản phẩm hay doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh ở Hoa Kỳ còn rất kém khiến cho chưa có nhiều nhà nhập khẩu Mỹ lựa chọn hàng hóa của Việt Nam. Bản thân tôi ở Mỹ chưa sử dụng hàng hóa Việt Nam cho đến khi đến Việt Nam để tìm hiểu sản phẩm Việt Nam, tôi nhận thấy rằng sản phẩm Việt Nam khá tốt, nhất là thực phẩm.

Tôi cho rằng điều các doanh nghiệp còn thiếu là hoạt động quảng bá hình ảnh của họ ở thị trường Mỹ, đặc biệt là sản phẩm có lợi thế xuất khẩu như hàng trang trí nội thất, dệt may, thực phẩm, bao gồm thủy sản và hàng thủ công mỹ nghệ - quà tặng. Hàng trang trí nội thất của Việt Nam rất đẹp nhưng quá nặng nề cho việc vận chuyển sang Hoa Kỳ. Đây là điều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nghiên cứu lại.

Ngoài ra, hàng trang trí nội thất dù có đẹp đến đâu cũng không thể gây ấn tượng đối với khách hàng khi chỉ giới thiệu bằng brochure. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm cách này, tôi cho rằng không hiệu quả. Họ phải đem sản phẩm sang Hoa Kỳ hoặc mời doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để tận mắt nhìn thấy sản phẩm của mình.

Hàng dệt may có thể doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với Trung Quốc nhưng không phải là không xuất khẩu được. Những sản phẩm như áo nam, nữ, đồ lót, đồ thể thao và những sản phẩm dệt may trong gia đình... Các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia nhiều nhưng sản phẩm không tốt.

Còn hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng, người Mỹ sử dụng rất nhiều vì trong năm có nhiều ngày lễ, thậm chí người Mỹ tặng quà cho nhau hàng ngày và không vì ngày lễ gì cả. Trung bình họ chi tiêu khoảng 40 USD cho một lần mua quà tặng. doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý đến chi tiết này khi làm hàng cho thị trường Hoa Kỳ.

Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tiếp cận với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ?

Chúng tôi là những nhà nhập khẩu và doanh nghiệp Việt Nam là những nhà xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu phải chủ động tìm đến nhà nhập khẩu chứ không có nhiều nhà nhập khẩu làm ngược lại.

Vì vậy, tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực hơn nữa tiếp cận với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Họ phải chủ động chào hàng và cách thức tiếp cận tốt nhất được các doanh nghiệp Mỹ thích không phải bằng email mà bằng thư gởi trực tiếp cùng với hình ảnh về sản phẩm.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ không có nhiều thời gian và họ cũng được nhiều nhà xuất khẩu chào hàng, do đó cơ hội để họ chú ý đến sản phẩm nào đó là rất ít.



Minh Quang thực hiện
Báo cáo phân tích thị trường