Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ưu tiên miễn, giảm thuế cho DN vừa và nhỏ
15 | 12 | 2008
Cuộc đối thoại giữa Thường trực Chính phủ với các đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc Hội các nhà doanh nghiệp trẻ (DNT) Việt Nam lần thứ ba đã diễn ra sôi nổi hôm qua 14.12, tại Hà Nội.

Mở đầu cuộc đối thoại, đại biểu Cao Tiến Vị - Chủ tịch HĐQT Công ty giấy Sài Gòn đã nêu vấn đề: “Chính phủ đã, đang và sẽ có những giải pháp, chính sách gì để giúp đỡ các DNT trong nước, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay?”. Một đại biểu khác đã đề cập thẳng đến gói giải pháp kích cầu trị giá 1 tỉ USD của Chính phủ, với kiến nghị: sử dụng 0,5 tỉ USD trong gói kích cầu này để hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ vì “đa số các giải pháp kích cầu của Chính phủ đều tập trung vào dự án cầu đường, nhà ở, trong khi đa số các DN vừa và nhỏ lại hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng”.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong thời gian tới, các biện pháp kích cầu của Chính phủ sẽ được thực hiện quyết liệt và khẩn trương hơn. Chính phủ sẽ tăng thêm vốn để đầu tư vào các lĩnh vực: xây dựng nhà ở cho các đối tượng xã hội, dân nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, nhất là ở các vùng khó khăn; đào tạo nghề với 2 chương trình đào tạo một triệu lao động nông thôn và cho học sinh, sinh viên vay ưu đãi học tập. Đối với các DN, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ quan trọng tóm gọn trong 6 chữ “miễn, giảm, hoãn, chậm thu thuế”, ví dụ như thuế GTGT sẽ hoàn trước kiểm sau, thuế xuất khẩu sẽ lùi thời hạn nộp thuế... “Các DN vừa và nhỏ sẽ có mức giảm cao hơn, ưu tiên nhiều hơn” - Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định. 

“DNT cần đi vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều hơn. Chính phủ sẽ tạo cơ chế chính sách đủ mạnh để các DN tiếp cận sâu hơn nữa vào khu vực đầy tiềm năng này”

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

Đối với gói giải pháp kích cầu 1 tỉ USD, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: "Từ đây đến cuối tháng, Chính phủ sẽ công bố nghị quyết cụ thể về vấn đề này, nhưng theo tính toán của cá nhân tôi, gói giải pháp này sẽ lên tới một trăm ngàn tỉ đồng (khoảng 6 tỉ USD - PV). Đây chính là chính sách của Chính phủ hỗ trợ các DN vừa và nhỏ”.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, chính sách của Chính phủ là bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, trong khi DN tư nhân là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ cũng không phân biệt tín dụng, thuế khóa giữa DN lớn - DN nhỏ và luôn tìm mọi biện pháp để đẩy nhanh thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm các thủ tục như cấp phép, cấp đất, thuế khóa... “Có thể chỗ này, chỗ kia còn chưa bình đẳng với các DN, Chính phủ sẽ tiếp thu để sửa đổi, sao cho mọi chính sách đến được với các DN” - Phó thủ tướng chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của doanh nhân Trần Đình Hạ - Chủ tịch Hội DNT Lai Châu về tháo gỡ khó khăn cho các DN vừa và nhỏ trong tiếp cận nguồn vốn vay trung và dài hạn tại ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Toàn Thắng cho biết sẽ có biện pháp ưu tiên cho vay đối với các DN vừa và nhỏ, các dự án khả thi, sản xuất nông nghiệp nông thôn... Đối với khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của khủng hoảng, NHNN đã có phương án để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Vừa qua, NHNN đã thành lập 2 tổ công tác xử lý khó khăn cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh thêm: “Tôi tái khẳng định vốn không thiếu, chúng ta nên cải cách thủ tục hành chính cho vay nhưng các dự án phải có hiệu quả. Chính phủ chỉ đạo NHNN và Bộ Tài chính sẵn sàng bảo lãnh cho các dự án đầu tư hiệu quả. Năm 2009, Chính phủ có chính sách bảo lãnh vốn vay của nước ngoài cho DN từ 1,5 - 2 tỉ USD”.



Nguồn: Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường