Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kịch bản nào cho thị trường bán lẻ Việt Nam sau giờ G?
15 | 12 | 2008
Đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) “lờ mờ” về bức tranh của thị trường bán lẻ Việt Nam sau giờ G (ngày 1.1.2009, khi các nhà phân phối (NPP) quốc tế được mở cửa hàng 100% vốn). Phải chăng nhiều DN Việt trong mảng phân phối sẽ bị thâu tóm? Phải chăng nhà sản xuất Việt Nam sẽ bị “ép giá” bằng những đơn hàng cực lớn bởi các đại gia phân phối trên ngay trên “sân nhà”? Nếu phân tích kỹ hơn mọi góc cạnh của câu chuyện phân phối, câu trả lời chưa hẳn đã "tiêu cực" như vậy. Trước nhất, phải nói, chắc chắn không có cuộc đổ bộ ào ạt, tấn công và thâu tóm vì ba lý do sau:

Thị trường còn quá bé nhỏ

Việt Nam là một thị trường hấp dẫn nhưng nói cho cùng, còn ở mức “tiềm năng” hoặc “cần lưu ý” vì tốc độ tăng trưởng cao. Yếu tố mà các NPP quốc tế quan tâm nhất là thu nhập của người tiêu dùng và quy mô thị trường. Cả hai yếu tố này của Việt Nam dường như vẫn còn thấp so với chuẩn của họ, với thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD/năm và quy mô thị trường mới vào khoảng 20 tỉ USD. Có lẽ vì thế mà cho tới nay, mới chỉ có một trong số 10 tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới gia nhập thị trường Việt Nam là Metro.

Cấu trúc mạng lưới phân phối phức tạp

Trên thực tế, phân phối không phải là ngành có mức độ tập trung cao. Để thâu tóm thị trường, ở mỗi nước, mỗi nhà bán lẻ cũng cần thiết lập hàng chục, thậm chí hàng trăm siêu thị, một khả năng hoàn toàn không dễ thực hiện tại Việt Nam trải dài với địa hình phức tạp, và ngoài ra, chúng ta đã bảo lưu được quyền xem xét cấp phép thành lập các cơ sở bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài.

Khó thay đổi văn hoá tiêu dùng người Việt

Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là các bà nội trợ, vẫn có thói quen mua hàng tại các chợ nhỏ vốn tiện lợi, có nhiều đồ ăn tươi, hợp túi tiền thay vì mua sắm tại các siêu thị lớn. Đi chợ, được gặp gỡ trò chuyện với nhiều bạn hàng quen, người mua quen và nhiều dịch vụ tiện lợi hơn: chế biến tại chỗ một phần, mang hàng tận nhà, bớt nói thách… nên nhiều bà nội trợ vẫn không bỏ chợ. Thực tiễn đã cho thấy vì điều này mà nhiều NPP nước ngoài chọn hình thức hợp tác, liên doanh với các NPP trong nước.

Những kịch bản mở

Có thể thấy rõ Việt Nam sẽ chưa thể có đại siêu thị (hypermarket – có diện tích trung bình 60.000m2) mà chỉ có thể có thêm nhiều siêu thị (supermarket) và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Xu hướng dễ hình dung nhất: tập trung. Các NPP nước ngoài sẽ mua lại các chuỗi tiện lợi, các siêu thị, triển khai hình thức nhượng quyền thương mại, mua các cơ sở sản xuất nhỏ, công ty nhỏ gặp khủng hoảng khó khăn để đặt làm các nhãn hàng của NPP. Xu hướng thứ hai là thiết kế hệ thống bám chặt khách hàng mục tiêu, cho từng phân khúc nhu cầu khác biệt. Xu hướng thứ ba là thay đổi các hình thức phân phối của các công ty Việt Nam hiện nay. Các hình thức bán hàng trên mạng, coupon… được quan tâm hơn. Và một nét rất đặc biệt đầy thách thức của mạng lưới bán lẻ ở Việt Nam mà hầu như không có nước nào có là hệ thống dày đặc các tiệm tạp hoá tại nhà thường được gọi là mama shop, hiện chiếm đến 70% thị phần bán lẻ Việt Nam. Cuộc chiến chiếm lĩnh hệ thống này sẽ vẫn rất khốc liệt vì đến thời điểm hiện nay, chưa “đại gia” nào giành nổi 30% thị phần.

Và giải pháp cho nhà sản xuất Việt

Hiểu được bức tranh của thị trường phân phối, nhà sản xuất Việt có thể bình tĩnh ứng phó. Hiện nay việc phân tích các xu hướng đang dần rõ nét và đối tượng đáng lo nhất là… các siêu thị. Còn lại các NPP nhỏ cần tỉnh táo xem mình đang ở đâu, tình thế sắp tới sẽ liên quan với ai. Các nhà sản xuất thì có nhiều lựa chọn và cần cân nhắc để lựa chọn có lợi nhất cho mình. Các siêu thị mới sẽ đem lại nhiều cơ hội chọn lựa kênh phân phối cho nhà sản xuất, tất nhiên, phải “đủ chuẩn”. Điều quan trọng nhất là phải giữ được niềm tin với người tiêu dùng Việt Nam.

 



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường