Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau sạch, bẩn lẫn lộn!
18 | 12 | 2008
Qua phân tích 224 mẫu rau bày bán tại các chợ, vùng trồng rau của Chi cục bảo vệ thực vật Kiên Giang gần đây, kết quả có đến trên 35% mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; trong đó hành lá tỉ lệ mẫu bị nhiễm lên đến trên 66%.

Tại Hội thi trái ngon & an toàn thực phẩm khu vực ĐBSCL năm 2008 vừa diễn ra tại Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cũng nhận định: Một số nhà vườn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều và thời gian cách ly không đúng. Không ít người tiêu dùng rất lo mối nguy hại từ các loại rau, quả này đối với sức khỏe. Ở các địa phương vùng ĐBSCL tìm mua rau "sạch" không dễ dàng.

Kêu gọi ý thức của người trồng rau (hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) không phải là biện pháp thực tế và hữu hiệu. Mở rộng diện tích trồng rau an toàn chính là biện pháp để loại thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng. Thế nhưng dù phát động đã lâu, song tới nay diện tích trồng rau an toàn ở ĐBSCL vẫn ì ạch vài chục hécta/địa phương!

Theo một số hộ nông dân đã trồng rau an toàn, để được công nhận đạt tiêu chuẩn trồng rau an toàn không dễ. Sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành chức năng cũng còn rất ít ỏi. Được công nhận rồi thì tìm "đầu ra" không dễ; đưa ra thị trường tiêu thụ rau "sạch" lại không có chứng nhận gì để phân biệt với rau trồng theo tập quán thông thường. Vì vậy nên giá cả "cá mè một lứa"!

Rõ ràng muốn mở rộng diện tích trồng rau an toàn thì không thể chỉ kêu gọi, phát động chung chung mà phải có các biện pháp cụ thể đi kèm. Muốn phát triển và khẳng định giá trị của rau an toàn cần có sự phối hợp giữa các ngành liên quan. Người trồng rau không chỉ cần được biết các quy định về rau an toàn, mà còn cần được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí, tìm "đầu ra" ổn định, có thương hiệu để phân biệt với các loại rau trồng theo tập quán thông thường...



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường