Trong nước, suy giảm kinh tế cùng với việc phá vỡ quy hoạch trong nuôi trồng TS ở các địa phương, dẫn đầu sản phẩm TS ứ đọng. Bên cạnh đó là việc thắt chặt tín dụng, các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tới sự ổn định thị trường xuất khẩu. Do vậy, sản phẩm TS vẫn trong cơn bĩ cực của việc "được mùa mất giá".
Xuất khẩu thủy sản tiềm năng lớn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến đầu tháng 12-2008 kim ngạch xuất khẩu TS của cả nước đạt 4 tỷ USD. Trong đó 10 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đã đạt 1.054.600 tấn, trị giá 3,828 tỷ USD, tăng 39,4% về lượng và 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007. Đặc biệt, các nước trong khối EU vẫn đứng đầu thị trường nhập khẩu TS Việt Nam, chiếm 25,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với gần 970 triệu USD, tăng 29,3% so với 10 tháng năm 2007. Xuất khẩu TS sang Nhật Bản tăng 14,4%, đạt 693 triệu USD, đây là thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh lớn nhất của Việt Nam với 412 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 là Hoa Kỳ, tăng 5% so với cùng kỳ và đạt 624 triệu USD. Riêng đối với thị trường Nga xuất khẩu có chững lại, nhưng giá trị vẫn đạt 194,7 triệu USD, trong đó riêng cá tra, cá basa là 170 triệu USD. Ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: "Sản xuất thức ăn - nuôi trồng - chế biến xuất khẩu" là 3 khâu quan trọng quyết định chiến lược phát triển TS theo hướng bền vững. Trước nhu cầu dùng thực phẩm sạch, an toàn của xã hội ngày càng cao, cùng với việc đầu tư nuôi trồng TS, khâu chế biến nâng cao giá trị sản xuất và đa dạng hóa thức ăn cũng được coi trọng để đầu tư, tạo sự liên kết và phát triển đồng bộ. Đặc biệt, xúc tiến đầu tư cũng được đẩy mạnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Vẫn là bài học về "được mùa mất giá"
Nhớ lại thời điểm đầu và giữa năm 2008, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có thời kỳ tồn đọng hàng nghìn tấn cá tra nguyên liệu nên Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ 1.000 tỷ đồng mua cá nguyên liệu. Trong khi đó giá xuất khẩu cao nhất trong năm cũng chỉ đạt từ 3,1 đến 3,2 USD/kg và không ít người đã nghĩ đến cảnh ảm đạm của mặt hàng này. Nhưng thật bất ngờ, lượng cá tra, cá ba sa xuất khẩu vẫn đạt hơn 550.000 tấn, kim ngạch đạt hơn 1,2 tỷ USD. Theo VASEP, năm nay sản lượng cá tra, cá ba sa xuất khẩu tăng mạnh là do các nước Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nga, U-crai-na, Đức nhập khẩu nhiều. Tại các địa phương nuôi nhiều cá tra, cá basa như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang nhận định: "Cách đây vài tháng, doanh nghiệp nào cũng lo lắng vì thiếu vốn thu mua cá nguyên liệu. Nhưng nhờ sự tăng trưởng nhập khẩu mạnh mẽ từ thị trường Đông Âu, Nga mà chúng tôi vẫn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu". Năm nay thực sự là năm có nhiều sóng gió đối với mặt hàng cá da trơn của Việt Nam. Hy vọng, sau tất cả những biến động này, cả doanh nghiệp, người nuôi và nhà quản lý đều rút ra những kinh nghiệm quý để khắc phục tình trạng "được mùa mất giá" của sản phẩm TS để quy hoạch và xác định đối tượng nuôi trồng TS chủ lực.
Với mặt hàng tôm đạt sản lượng 158.527 tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 35,4% tỷ trọng toàn ngành thì việc xuất khẩu tôm không đáng lo ngại, nhưng nếu so sánh với kim ngạch xuất khẩu cá tra thì xuất khẩu tôm năm nay kém các năm trước. Nguyên nhân là do cuộc hoán đổi ngôi vị giữa tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nên diện tích nuôi tôm sú bị thu hẹp, nguồn nguyên liệu thiếu, nhiều nhà máy chỉ hoạt động từ 40-50% công suất thiết kế. Theo VASEP, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) là doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu (năm 2007 đạt gần 144 triệu USD) nhưng năm nay, dù đã rất nỗ lực nhưng tính đến tháng 10-2008 cũng chỉ xuất khẩu được hơn 11.000 tấn tôm, trị giá 128 triệu USD. Để tháo gỡ, ngành TS cần xây dựng quy hoạch, xác định đối tượng nuôi trồng chủ lực để đầu tư có trọng điểm, bảo đảm sự liên kết giữa 3 nhà "sản xuất thức ăn - người nuôi trồng - nhà chế biến" để nâng cao giá trị, đồng thời giải quyết tình trạng "được mùa mất giá" của sản phẩm TS.