Nội dung chính được nêu ra là:
- Năm 2006, khu vực Tây Phi vẫn là nơi sản xuất điều thô chính (445.000 tấn), Ấn Độ là nước nhập khẩu điều thô lớn nhất (580.000 tấn) và cũng là quốc gia chế biến và xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới (5 triệu thùng).
- Năm 2007, xuất khẩu điều nhân có thể tăng từ 5 đến 7% nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ ( + 950.000 thùng) và Braxin (+ 480.000 thùng). Việt Nam có thể xuất ít hơn năm 2006 (-400.000 thùng).
- Sản xuất điều thô tại Ấn Độ (+ 65.000 tấn, đạt tổng sản lượng 475.000 tấn) có thể vượt sản lượng của khu vực Tây Phi (+ 20.000 tấn, với tổng sản lượng 465.000 tấn).
- Việc tăng diện tích trồng điều cho thấy sản xuất điều thô có thể tăng 50% từ nay đến năm 2010. Cụ thể :
Đơn vị : Tấn
Tên nước | Năm 2005 | Năm 2010 |
Ấn Độ | 400.000 | 700.000 |
Braxin | 250.000 | 350.000 |
Việt Nam | 350.000 | 600.000 |
Các nước Châu Á khác | 75.000 | 150.000 |
Châu Phi | 600.000 | 700.000 |
Tổng | 1.675.000 | 2.500.000 |
Nguồn : Hiệp hội các Nhà chế biến lạc và Trái cây (PNTA) * Thị phần của châu Phi trong sản xuất điều thô sẽ giảm từ 36% xuống còn 28%.
* Xuất khẩu điều nhân từ Ấn Độ đã tăng mỗi năm khoảng 4% giai đoạn 2002-2006, chủ yếu nhờ xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Tình hình sản xuất và xuất khẩu hạt điều của Bénin
Là loại cây trồng dễ tính và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai sau bông, cây điều của Bénin cung cấp loại hạt nổi tiếng về chất lượng nhờ thu hoạch đúng thời vụ, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài giá trị là thức ăn, hạt điều còn được sử dụng trong ngành công nghiệp dược do có những thuộc tính như diệt sâu bệnh, diệt nấm và diệt khuẩn. Quả điều còn dùng trong ngành công nghiệp chế biến da thuộc.
Nếu như năm 1996, Bénin mới xuất được khoảng 10.000 tấn điều thì đến năm 2005, con số này đã lên tới 66.000 tấn (16 triệu Euro) và năm 2006 là 70.000 tấn. Giá bán giữa vụ thu hoạch từ 200-280 franc châu Phi (FCFA*)/1 kg điều thô, còn vào đầu hoặc cuối vụ đôi khi từ 130-150 FCFA. Với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nhiều nhà sản xuất bông của Bénin đang muốn chuyển sang trồng điều vì đỡ vất vả hơn. Nhờ một số dự án và chương trình phát triển, nhiều vườn điều mới đã ra đời. Dự kiến đến năm 2015, sản lượng điều của Bénin sẽ tăng gấp đôi. Do vậy, điều là một loại cây xuất khẩu giúp đa dạng cơ cấu nông nghiệp của nước này.
Cho đến nay, điều của Bénin vẫn chủ yếu được bán dưới dạng thô, khách hàng chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Những nước nay sau khi nhập, chế biến rồi tái xuất sang châu Âu dưới dạng điều nhân đã làm sạch và đóng gói. Việc chế biến và đóng gói tại Bénin có thể giúp cung cấp cho thị trường châu Âu những sản phẩm có chất lượng với giá cạnh tranh hơn. Hiện nay nước này mới có 3 nhà máy chế biến hạt điều và chỉ có một lượng điều nhân không đáng kể sản xuất tại Bénin được xuất khẩu sang Đức.
Hoạt động kinh doanh điều tại Bénin còn chưa được tổ chức chặt chẽ với một chuỗi các tác nhân tham gia, gồm nhà sản xuất (có tổ chức hoặc đơn lẻ), người thu gom (cấp 1 hoặc cấp 2), nhà buôn (sỉ hoặc lẻ) và nhà xuất khẩu (thường là người Ấn Độ, Pakistan trong một liên kết khép kín).
Về giá bán hạt điều, tại Bénin không có giá tham khảo mà tuỳ thuộc vào vấn đề cung cầu.
Nhà nước chỉ can thiệp hàng năm bằng cách ấn định giá sàn mua hạt điều của người sản xuất. Năm 2007, Nhà nước đã đưa ra giá sàn là 200 FCFA/kg điều thô, ngày bắt đầu thu hoạch và bán điều là 1/3/2007 tại Savè (cách thủ đô kinh tế của Bénin là Cotonou là 255 km) và ngày kết thúc việc bán điều 3/10/2007.
Các tỉnh trồng điều lớn nhất của Bénin là Atacora, Donga, Alibori, Borgou, Colline và Zou.
Về vị trí địa lý, Bénin có lợi thế mặt biển rộng, có cảng quốc tế Cotonou, lại là nước láng giềng của Nigiêria, quốc gia cũng sản xuất điều rất lớn. Điều của Nigiêria có thể nhập khẩu vào Bénin với vai trò là nước quá cảnh. Theo ước tính, tỉ lệ nhập khẩu từ các nước giáp biên chiếm từ 10 đến 15% tổng khối lượng điều xuất khẩu của Bénin. Chất lượng điều nhập khẩu thường không được đánh giá cao vì khó kiểm soát (quả điều không bán được từ những năm trước, điều chưa chín hoặc điều kiện cất trữ không tốt…).
Bénin lại có hệ thống ngân hàng năng động và lành mạnh. Là thành viên WTO, nước này còn nằm trong số các quốc gia được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Đồng tiền của Bénin (franc châu Phi) có khả năng chuyển đổi.
Mặc dù có những lợi thế riêng nhưng Bénin cũng đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt của những quốc gia sản xuất điều thô khác trong khu vực như Ghi-nê Bitxao, Bờ Biển Ngà, Môdămbích, Nigiêria, Tanzania, nhất là khi những nước này đã ổn định được tình hình chính trị, giảm bớt tình trạng tham nhũng, sách nhiễu.
Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm tình hình sản xuất và xuất khẩu điều của Bénin và thế giới qua Website http://anacardium.info/
*Tỷ giá : 1 USD = 482,62 FCFA (ngày 4/5/2007)