Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành cao su sau 2 năm gia nhập WTO: Được nhiều nhưng tồn tại không ít
29 | 12 | 2008
Phải thừa nhận, sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trình độ canh tác cũng như công nghệ sản xuất của chúng ta vẫn chưa hoàn thiện, cao su xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô...; nhưng cũng không thể phủ nhận, ngành cao su được hưởng lợi khá nhiều. Đó là đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN - quy chế đối xử bình đẳng với các nước khác); thị trường tiêu thụ mở rộng... Điều đáng nói là chúng ta sẽ tận dụng lợi thế ấy ra sao trong năm 2009.

Những tồn tại

Thời gian qua, ngành cao su đã có bước chuyển mạnh về nhiều mặt, từ sản xuất đến xuất khẩu, từ giải quyết việc làm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người lao động... Tuy nhiên, ngành cũng gặp phải những tồn tại phát sinh, cần điều chỉnh phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái, ẩn chứa nhiều rủi ro.

TS.Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, khoảng 85% sản lượng cao su Việt Nam hiện dành cho xuất khẩu. Sau hai năm gia nhập WTO, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su nguyên liệu được lợi hơn khi thuế nhập khẩu vào các nước giảm. Họ được bình đẳng với các nhà xuất khẩu khác trên cùng thị trường, nhưng yêu cầu về chất lượng tỏ ra nghiêm ngặt hơn và phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

“Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm trong nước như săm lốp, găng tay, băng tải... sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường nội địa mở cửa, hàng hóa của nước ngoài được hưởng thuế nhập khẩu giảm tràn vào”, bà Hoa nói.

PGS.TS Vũ Năng Dũng, Viện trưởng Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục đối với ngành cao su Việt Nam. Đó là, kỹ thuật sản xuất cao su tiểu điền chưa được tuân thủ nên kỹ thuật khai thác còn thấp hơn so với quốc doanh; thiết bị và công nghệ sơ chế mủ cao su cần tiếp tục hiện đại hóa, cơ cấu sản phẩm cần được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới và trong nước, chú trọng vấn đề xử lý môi trường trong chế biến mủ.

Về tổ chức và quản lý, ngành tuy đã có cải tiến song vẫn lúng túng và chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong tình hình mới. Sử dụng cao su nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ khoảng 10-15% sản lượng.

10 tháng đầu năm 2008, nước ta xuất khẩu được 510.000 tấn cao su tự nhiên, đạt giá trị 1,4 tỷ USD; ước cả năm đạt 1,65 tỷ USD.

Cao su Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 45 thị trường, có mặt tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, và mở rộng sang Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi.

Ngành phấn đấu năm 2010 xuất khẩu 900.000 tấn, kim ngạch đạt khoảng 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó là bất lợi về thị trường bởi hiện nay, giá mủ cao su đã giảm xuống 3 lần, từ 57 triệu đồng/tấn xuống còn 18 triệu đồng/tấn). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu giảm. Việc giảm giá này khiến cho nhiều doanh nghiệp tồn kho lượng hàng lớn; hàng hóa xuất khẩu giảm. Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), lượng hàng xuất đi chỉ đạt khoảng 100 - 200 tấn/ngày.

Việc bị hạn chế xuất khẩu, hàng hóa tồn đọng đồng nghĩa với việc sản xuất bị đình trệ, gây khó khăn lớn cho DN trong việc chi trả lương cho công nhân.

Giải pháp kích cầu

Từ năm 2000 đến nay, thị trường xuất khẩu cao su tập trung chủ yếu vào Trung Quốc trên 60%, EU 10%, Hàn Quốc 5%... ông Dũng cảnh báo: “Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, ngành cao su cần nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Trong khi trình độ công nghệ của chúng ta chưa hoàn thiện, sản xuất tiểu điền còn lớn thì ông Trịnh Minh Anh, Phó văn phòng ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đánh giá, cao su Việt Nam đã và đang phải đối phó với những quy định về thương mại và môi trường, thực chất là những “hàng rào xanh”, những rào cản kỹ thuật và quyền sở hữu trí tuệ theo các cam kết quốc tế.

Gia nhập WTO cũng tạo cơ hội thu hút đầu tư, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao từ các nước phát triển trong cả khâu chế biến, trồng đến khâu khai thác vào Việt Nam. “Qua đó, ta cũng có điều kiện liên doanh xây dựng các nhà máy chế biến mủ, tạo ra những sản phẩm cao su chất lượng cao, nâng giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ xuất khẩu thô” - ông Anh nói.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Anh kiến nghị: Chính phủ nên tiếp tục cải cách chính sách thuận lợi cho DN, giảm thuế một số nguyên liệu đầu vào. Quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng bắt buộc cũng như trách nhiệm xã hội, nâng cao hiệu quả ngành hàng, chia sẻ thông tin, giải quyết tranh chấp, xúc tiến thương mại, thống nhất giá cả, khuyến khích hợp tác sản xuất và kinh doanh. Nhà nước cần sớm hoàn thiện hạ tầng (giao thông, cảng biển), đầu tư lớn cho phát triển công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, chiến lược phát triển ngành. Các doanh nghiệp cần nắm vững các cam kết và luật pháp quốc tế; bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và chú trọng yếu tố môi trường; giữ uy tín và trách nhiệm xã hội, đoàn kết hợp tác ngành hàng, tận dụng tối đa những hỗ trợ của Nhà nước

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) lại đưa ra 5 giải pháp: Không phát triển cao su ồ ạt, theo phong trào; chú trọng thâm canh, chọn giống tốt, đúng kỹ thuật và đất phải đủ tầng dày; ưu tiên những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường; coi cao su đại điền là nòng cốt để hỗ trợ cho cao su tiểu điền. Riêng 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên trước mắt chỉ nên trồng thí điểm. “Giá cao su năm 2009 sẽ thấp hơn năm 2008. Đây là xu hướng giảm mạnh và khó có thể trở lại mức giá cao như cũ, và khi đó, khả năng cạnh tranh của cao su với nhiều loại cây trồng khác sẽ hạn chế” - ông Ngọc dự báo.

Ông Anh cho rằng: “Thành công nhiều hay ít sau khi gia nhập WTO phụ thuộc phần lớn vào việc triển khai linh hoạt các cam kết”. Theo đó, phải nâng cao chất lượng những văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện nghĩa vụ cam kết WTO, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy hoạch cảng, khu công nghiệp, và dân cư... Cần sớm có chính sách thu hút, giữ chân cán bộ giỏi, chú trọng dịch vụ phân phối, đặc biệt là dịch vụ logistics (vận chuyển, kho tàng, bến bãi...)



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường