Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kịch bản ngành nông nghiệp 2009
30 | 12 | 2008
Hôm qua, Bộ NN- PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm 2009 trong toàn ngành. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lập ngay đề án xây dựng hệ thống kho đảm bảo dự trữ được 4 triệu tấn lúa hàng hoá.

Theo Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám, năm 2008 là năm được mùa, cả năm giá trị tăng thêm về nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,79% (năm 2007 đạt 3,4%), giá trị sản lượng tăng 5,62% so với năm 2007. Bước sang năm 2009, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2009 là tập trung đối phó hiệu quả với các khó khăn thách thức, ngăn ngừa suy giảm, duy trì tăng trưởng, chủ yếu thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực…

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN Trương Thanh Phong cho biết, đến nay cả nước ký hợp đồng XK được 5,1 triệu tấn gạo, trong đó số đã xuất hơn 4,65 triệu tấn, dự kiến đến hết tháng 12 thì đạt 4,7 triệu tấn. Kim ngạch XK đạt tới 2,9 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước thì sản lượng tương đương, nhưng giá trị đã tăng gấp đôi. Ông Phong bày tỏ, đây là năm đặc biệt của thị trường lúa gạo, giá lên rất nhanh, giảm cũng rất nhanh.

Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát: Chúng ta phải điều chỉnh lại cơ cấu SX theo thị trường. Trong đó, có thể tăng mạnh diện tích ngô, đậu tương vì trong nước vẫn đang thiếu. Đối với chăn nuôi, tập trung phát triển gia cầm và gia súc lớn. Tập trung cao độ để làm vụ đông xuân thắng lợi.

Đối với vụ hè thu và thu đông (vụ 3) cần cân nhắc tại ĐBSCL. SX cá tra, tôm cần linh hoạt điều chỉnh theo thị trường. Về công tác dự báo, Bộ trưởng cho rằng, điều đầu tiên là phải thống kê đúng, sát thực tế. Nếu không nắm chắc số liệu thì không thể điều hành và dự báo tốt được. Chúng ta phải tập trung tìm kiếm thị trường, bởi nếu không có thị trường thì nông dân SX biết bán cho ai. “Chúng ta không cần một sản lượng tăng đẹp mà nông dân lỗ, phải làm sao để nông dân có lãi và duy trì, phát triển SX”

Dự báo năm 2009, nông sản thế giới được mùa, tồn kho lớn, trong khi dự trữ trong nước cao hơn trung bình mọi năm. Do đó, cần phải theo dõi sát tình hình.

Năm 2009, có thể XK hơn 5 triệu tấn gạo, vì hiện chúng ta còn giữ trong kho 900 nghìn tấn. Chúng ta cần tập trung vào các thị trường lớn, nếu giữ được 3 thị trường lớn thì đã đạt 50% sản lượng XK rồi. Đến nay vụ đông xuân không lo vấn đề tiêu thụ, giá mua lúa ở mức 3.500- 4.000 đ/kg, trong khi theo tính toán giá thành của nông dân thấp hơn thế nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản (VASEP) thừa nhận, chúng ta phát triển quá nhanh trong khi công tác nắm bắt tình hình và điều hành chưa tốt. Thực tế, chúng ta đã phải trả giá cho sự phát triển quá “nóng”.

Ông Dũng thông báo, khủng hoảng kinh tế đã tác động trực tiếp đến con tôm và cá tra. Nhu cầu tiêu dùng tôm sú sẽ bị ảnh hưởng do giá cao, nhiều khách hàng đã chuyển sang ăn tôm thẻ chân trắng vì giá rẻ. Đối với cá tra thị trường có thể tốt hơn, do chất lượng, giá cả sản phẩm này có sức cạnh tranh cao. Cái khó nhất hiện nay là các nhà nhập khẩu bị ngân hàng siết tín dụng, không có tiền để mở L/C để nhập hàng. Dự kiến phải hết quý I/2009, tình hình mới ổn định trở lại.

TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su VN Lê Quang Thung thì tin tưởng, ngành cao su sẽ tiếp tục duy trì phát triển trong bối cảnh giá XK xuống thấp, bằng cách hạ giá thành sản phẩm. Năm 2009, sẽ đưa giá thành 1 tấn cao su xuống 12 triệu đồng, trong khi giá bán dự kiến vẫn đạt 18 triệu đồng/tấn. Do vậy, SX cao su không thể lỗ. Cần tận dụng thời điểm giá cả đầu vào xuống thấp để mở rộng diện tích trồng mới, đón cơ hội trong 5- 7 năm tới. Chủ tịch HĐQT TCty Cà phê Đoàn Đình Thiêm cho biết, nếu tính trên giá thành hiện nay thì SX cà phê vẫn lãi 15- 20%. Tuy nhiên, chúng ta phải chuyển mạnh sang chế biến sâu để tăng giá trị, lợi nhuận.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nêu ra 3 nhược điểm của ngành nông nghiệp. Đó là việc phát triển thiếu bền vững; sức cạnh tranh còn thấp; hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh ATTP còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các Bộ và địa phương, nông dân chưa đồng bộ, chưa hiệu quả, thể hiện rõ trong việc xử lý mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ông Biên cho biết, năm 2009 XK sẽ rất khó khăn. Với mục tiêu tăng XK 13% thì chúng ta phải đạt kim ngạch 72 tỷ USD trong năm 2009. Trong khi, XK nông lâm, thuỷ sản năm 2009 chỉ đưa kế hoạch 12,5 tỷ, giảm 3,7 tỷ so với năm nay. XK dầu thô dự kiến cũng giảm 6,5 tỷ. Như vậy, chúng ta đã giảm mất 10 tỷ đô la đối với hai mặt hàng này. Trong bối cảnh khó khăn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Công thương và Bộ NN- PTNT trong khâu quy hoạch sản xuất, từ lúa gạo, cao su với công tác thị trường nước ngoài và cơ chế xuất khẩu để giảm tác động tiêu cực của thị trường. Bộ Công thương sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng tìm thị trường, đối tác ngay từ đầu năm…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân trong năm qua. Những thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2008 là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, ngành còn nhiều bất cập, như chuyện quy hoạch, chất lượng cạnh tranh, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, đời sống của nông dân…Trong điều hành có cái chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, cần nghiêm túc kiểm điểm để làm tốt hơn. Nhiệm vụ năm 2009 sẽ khó khăn hơn năm 2008. Trong các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngành nông nghiệp cần cụ thể hoá từng mặt hàng. Đối với SX lương thực phải đảm bảo nông dân có lãi 30%. Do vậy, cần chủ động trong việc điều tiết.

Thủ tướng đồng ý với đề xuất xây hệ thống kho để có thể trữ 4 triệu tấn lúa, cần lập ngay một đề án về chủ trương này. Trong đó, phải tính toán bố trí mặt bằng, đền bù đúng mức khi lấy đất canh tác để làm kho. “Trữ được 4 triệu tấn lúa là có hiệu quả lắm, khắc phục được tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch. Lúc này là thời cơ lớn, vì giá cả đầu tư giảm”- Thủ tướng nói. Đối với thuỷ sản, Thủ tướng cũng đồng ý phương án cho vay ưu đãi để xây dựng những kho trữ đông từ 6 tháng đến 1 năm để chủ động điều tiết thị trường.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường