“Bà đỡ” 3 trong 1 cho doanh nghiệp
Trong những ngày này, Phòng Đăng ký Kinh doanh của Sở KH-ĐT TPHCM đã phải cùng lúc chuẩn bị nhiều công việc nhằm triển khai kế hoạch một đầu mối trong công tác đăng ký kinh doanh. Công việc cuối năm bề bộn, vừa xử lý hồ sơ vừa chuẩn bị quy trình để thời gian tới DN chỉ mất 5 ngày có thể nhận được cả giấy đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu.
Trong năm 2008 đã có 19.552 DN đăng ký thành lập mới, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng cũng đã có 1.554 DN giải thể. Trong số những DN giải thể cũng có những liên doanh đến thời hạn kết thúc hợp đồng hợp tác liên doanh và phải giải thể để chuyển sang hợp đồng mới, nhưng số DN vừa và nhỏ phải giải thể khá nhiều. Nhiều DN gia công hàng xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày đã phải đóng cửa. Chính vì vậy, năm 2009 tìm cách thu hút các nhà đầu tư trong nước bỏ vốn đầu tư được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Điểm đột phá đầu tiên chính là cải thiện công tác đăng ký kinh doanh.
|
Nhân viên Sở KH-ĐT hướng dẫn DN đăng ký kinh doanh. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Theo bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, năm 2009 sẽ là một năm mà công tác đăng ký kinh doanh được tập trung cải thiện, thực sự trở thành “bà đỡ” giúp DN ra đời thuận lợi.
Trong đó, cơ chế đăng ký kinh doanh sẽ theo hướng hợp nhất một đầu mối duy nhất, xóa bỏ các khâu công việc và thủ tục bất hợp lý, giảm các loại giấy tờ không cần thiết.
Bà Hòa cho biết thêm, triển khai thực hiện cơ chế này sẽ áp dụng một bộ hồ sơ duy nhất cho việc đăng ký thành lập DN. Khi trở thành một đầu mối, các cơ quan đăng ký kinh doanh cũng sẽ phải tiếp tục sắp xếp và cải tiến tổ chức, nhân sự, quy trình, cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng, đặc biệt là giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế và công an để hoàn thiện công tác cấp dấu, đăng ký mã số thuế cho DN khi trả hồ sơ. “Quy trình này chúng tôi gọi là 3 trong 1, giúp DN giảm thời gian cho công tác đăng ký kinh doanh, giảm việc phải đi lại, tăng các cơ hội kinh doanh” - bà Hòa nói.
Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thêm, song song với việc kiện toàn cơ quan đăng ký kinh doanh, các DN trên địa bàn còn được hỗ trợ thông qua nhiều hoạt động như cung cấp dự báo công nghệ, đào tạo và tư vấn, hỗ trợ DN nâng cao năng lực kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong năm 2009, ngành công thương sẽ là đầu mối liên kết các DN để hỗ trợ phát triển thị trường nội bộ. Tức là nơi đây sẽ cung cấp thông tin kết nối năng lực sản xuất các sản phẩm của các DN, sản phẩm này là đầu vào của DN kia nhằm tạo nên một thị trường nội bộ, để khai thác hiệu quả các dự án đầu tư của DN.
Tiếp sức để tăng nội lực
Một trong những điểm lưu ý mà các DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, là có thể tiếp cận các thông tin hỗ trợ tài chính của Chính phủ và của TPHCM để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cam kết của các ngành chức năng trên địa bàn là sẽ thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giảm, giãn thời hạn nộp thuế thu nhập. Theo đó, các DN sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp trong quí 4 năm 2008 và số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2009 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, DN cũng được giãn thời hạn nộp thuế thu nhập DN trong thời hạn 9 tháng đối với số thuế phải nộp, tức là 70% số thuế còn lại sau khi giảm 30% theo quy định trên. Bà Hồ Thu Hà, giám đốc một DN dệt may, cho biết, điều này có ý nghĩa khá lớn đối với DN có hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các DN gia công chế biến hàng xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy hải sản… Bởi vì, một chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phải mất vài tháng, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu tới nguyên liệu nhập khẩu về nước, thời gian sản xuất, thời gian lưu thông hàng hóa…
Bà Hà cũng đánh giá cao quyết định tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu, trong trường hợp DN chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, và hoàn tiếp 10% khi có đầy đủ chứng từ thanh toán. Điều này giúp DN vừa và nhỏ giảm áp lực về chi phí vốn, đặc biệt trong điều kiện lãi suất ngân hàng còn quá cao. Cam kết của TPHCM sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương này khiến các DN thấy nhẹ nhõm, vì trước đây các thủ tục hoàn thuế vô cùng khó và mất nhiều thời gian.
Mới đây nhất, trong buổi làm việc với Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói, để hỗ trợ DN giảm chi phí đầu tư sản xuất, Chính phủ đang tính toán việc hỗ trợ thông qua lãi suất ngân hàng khoảng 17.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, Chính phủ giao Ngân hàng BIDV hỗ trợ bảo lãnh cho DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn với lãi suất thấp. Với 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, dự kiến có khoảng 420.000 tỷ đồng sẽ được huy động để cho DN vay đầu tư mở rộng năng lực và duy trì sản xuất, trong đó Chính phủ bù hỗ trợ qua ngân hàng khoảng 4% lãi vay. Tức là, nếu lãi suất thực tế ngân hàng ban hành cho vay là 10%, DN sẽ thực trả 6%, còn 4% Chính phủ sẽ bù cho ngân hàng.