Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp bức xúc trước nhiều kiểu “hành” thủ tục
06 | 01 | 2009
Mặc dù chương trình cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính thuế và hải quan đã được tiến hành thời gian qua nhưng những bức xúc, phàn nàn của doanh nghiệp về vấn đề này vẫn khá gay gắt trong buổi đối thoại giữa Bộ Tài Chính và doanh nghiệp (DN) về lĩnh vực thuế và hải quan diễn ra ngày 5/1.

Đặt vấn đề những thủ tục nào không cần thiết cho quản lý, không vì thế mà quản lý chặt chẽ hơn thì phải bỏ, ông Thanh Bình – phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) chỉ ra rằng: Trong 7 tờ khai hải quan để DN làm bộ hồ sơ tạm nhập tái xuất hiện tại, chỉ cần 3 tờ là tờ khai tạm nhập để xác định tại thời điểm đó thuế suất là bao nhiêu %; tờ khai tái xuất để chứng minh DN tái xuất được bao nhiêu và tờ thứ 3 là để tính giá nhập khẩu đã là đủ.

“Tổng số tiền thuế nhập khẩu được hoàn chỉ phụ thuộc vào 3 yếu tố ấy mà thôi, không phụ thuộc vào yếu tố DN bán cho nước ngoài bao nhiêu” – ông Bình nhấn mạnh.

Dù biết Bộ Công Thương phải ra điều kiện là hàng tạm nhập tái xuất phải thanh toán bằng ngoại tệ chuyển đổi, vì điều này bắt buộc trong công tác quản lý nhưng điều mà Bộ quy định phải có ngoại tệ chuyển đổi trong thanh toán hàng nhập tái xuất không có nghĩa là hải quan phải bê nguyên xi vào áp dụng, bắt DN phải đưa chứng từ thanh toán từ bên ngoài vào.

“Phía hải quan làm việc này nhiều trường hợp chỉ đảm bảo chắc rằng tiền thanh toán trong ngân hàng, chứng tỏ hàng này đã được tái xuất nhưng điều đó không có nghĩa là vì không quản lý được thì họ lại tìm một dây bảo hiểm mà một đầu của sợi dây lại ngoặc vào cổ của DN”.

Ngoài ra, việc quy định order – tức là quy định phải đặt hàng trong việc mua xăng dầu hàng không cũng gây nhiều phiền hà cho DN và khách hàng. Ông Bình phản ánh, làm ăn với nước ngoài, họ rất thắc mắc và khó chịu về thủ tục hành chính ở ta quá phức tạp. Một khi đã đặt mua hàng, ký kết với DN rồi, họ lại phải ký thêm cái order theo quy định của hải quan mà không có ý nghĩa gì .

Chưa hết về thủ tục thanh toán còn gây nhiều tranh cãi. Theo quy định, thời điểm thanh toán là 0h, nhiều khi máy bay nước ngoài đến mua dầu lúc 23h, kết thúc thanh toán đã là 3h sáng. DN nước ngoài bảo thời điểm này được tính giá cũ nhưng hải quan lại bảo 3h sáng là ngày hôm sau nên phải tính giá mới, khiến DN hết sức khó xử.

Trường hợp phía chi cục hải quan dây dưa về thời gian, sau đó lại bắt DN chịu phải khoản tiền hoàn thuế trên 1 tỷ đồng của Tập đoàn Than, khoáng sản VN (TKV) lại là một ví dụ khác. Đại diện phía TKV dẫn giải, do giá than xuất khẩu năm 2008 biến động lớn, lúc đầu TKV đã thống nhất giá tạm tính để tính thuế, đến ngày 30/6, tập đoàn đã điều chỉnh giá tăng hơn so với giá tạm tính nên đã làm văn bản gửi Chi cục Hải quan Quảng Ninh xin được nộp thuế bổ sung thuế xuất khẩu.

Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Quảng Ninh thông báo là họ còn xin ý kiến Tổng Cục Hải quan. Lúc đó, TKV đã nộp khoản tiền 10,4 tỷ của số tiền thuế xuất khẩu than còn thiếu khi làm thủ tục hải quan vào kho bạc thì Hải quan Quảng Ninh lại không đồng ý cho nộp.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn và Chi cục Thuế Quảng Ninh yêu cầu TKV phải nộp lại số tiền kể trên đồng thời tính một khoản tiền phạt do nộp chậm tiền hoàn thuế tính từ ngày phát sinh đến nay khoảng trên 1 tỷ đồng.

Đại diện TKV bức xúc: “Chúng tôi sẵn sàng nộp 10,4 tỷ nhưng không đồng tình việc nộp phạt khoản tiền trên 1 tỷ đồng với lý do là nộp chậm vì bản thân chúng tôi lúc đầu đã kê khai, xin nộp nhưng hải quan không chấp nhận. Nếu tính khoản tiền phạt này ngay thời điểm TKV xin nộp là đầu tháng 8/2008 thì DN chỉ mất trên 200 triệu đồng, nhưng do hải quan xử lý chậm trễ đến tận cuối tháng 12/2008, số tiền này lên đến trên 1 tỷ như vậy thì DN phải chịu thiệt rất nhiều”.

Tương tự, trường hợp của Công ty TNHH Phước Hồng (Hải Phòng) đã nhập 5.000-10.000 tấn gạo xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc từ 12/2004. Năm 2005, DN đã làm hồ sơ hoàn thuế nhưng liên tục bị từ chối. Đến tháng 12/2005, đơn vị nhận được công văn của Cục thuế Hải phòng thông báo DN bỏ trốn, số thuế đó không được hoàn.

Bà Đỗ Thị Thanh Thảo - Kế toán trưởng công ty cho biết, ngay sau đó DN đã có đơn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị xem xét nhưng không có phản hồi, Chi cục Thuế Hải Phòng thì nói rằng phải chờ điều tra. Tính đến nay DN đã phải làm trên 30 công văn đề nghị Chi cục Thuế Hải Phòng nhưng vẫn dây dưa không giải quyết, khiến DN thiệt hại rất lớn.

Cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu đề ra

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, để xảy ra những trường hợp đáng tiếc khiến DN chịu trận như kể trên nhiều khi không phải do cơ chế, chính sách mà do người thực hiện gây ra. Ví dụ một trường hợp hoàn thuế ở Hải Phòng mới đây, hồ sơ chênh nhau 1 đồng mà cơ quan thuế, hải quan phải làm lại hồ sơ, ông Tuấn không ngần ngại nhận xét, cách làm này cũng góp phần đưa “thủ tục hành chính thuế của ta được xếp vào nhóm lạc hậu của khu vực”.

Cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu đề ra - là nhận xét của ông Vũ Minh Mẫn, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ. Sở dĩ hiệu quả cải cách hàng chính không như mong muốn, theo nhìn nhận của ông Mẫn là do chúng ta chưa có một bộ máy chuyên trách kiểm soát thủ tục hành chính mà lâu nay thường giao cho chính cơ quan xây dựng chính sách thực hiện.

Về phía Bộ Tài chính, để cải thiện tình hình, hỗ trợ DN tốt hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm 2009, bên cạnh các ưu đãi giảm, hoãn, giãn nộp thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ đang đẩy nhanh việc hoàn thuế đối với DN xuất khẩu. Theo đó, DN không cần chờ chứng từ thanh toán mà chỉ cần có bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được chứng nhận hoàn tới 90% giá trị; không để xảy ra tình trạng DN đủ hồ sơ rồi mà 2, 3 tháng sau vẫn chưa được hoàn.

Ngoài ra DN sẽ được ân hạn thuế hơn 275 ngày; không phải nộp thuế đối với phần nguyên liệu hư hao trong quá trình nhập về chế biến hàng xuất khẩu.

Về cải cách hành chính thuế, mục tiêu sẽ cắt giảm các quy định, thủ tục rườm rà. Đối với ngành hải quan, phấn đấu nâng từ 60 – 70% thủ tục hành chính kê khai qua mạng hiện nay lên 80% trong năm 2009. Giảm 1/3 thời gian làm thủ tục thuế cũng như hải quan.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường