Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyện về một giám đốc nông dân
07 | 01 | 2009
Chỉ dài chưa đầy 3km nhưng căn cứ cách mạng Tân Sở cũ, nay là vùng Cùa, thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã bị hàng trăm tấn bom đạn, hàng nghìn lít chất độc hoá học tàn phá trong chiến tranh. Và hôm nay, miền đất “chết” này đã được hồi sinh bởi một con người tràn đầy nhiệt huyết và ý chí.

Bắt đất "nhả vàng"...

Nghe danh người từng đoạt giải thưởng Lương Định Của, chúng tôi tìm đến trang trại của Đỗ Anh Khánh một chiều cuối năm. ở thôn Minh Hương, xã Cam Chính (Cam Lộ – Quảng Trị) ai cũng biết chàng trai này. Sau khi vượt con đường đất đỏ nhầy nhụa sau mưa, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy cơ ngơi của anh. Đứng trên ngọn đồi cao nhất, anh Khánh giới thiệu: “Ba quả đồi xa nhất là 40ha cây keo lai, gần một nửa trong số ấy sắp đến tuổi trưởng thành; gần hơn chút nữa là 7ha cao su bắt đầu cho thu hoạch; tiếp đến là 3ha hồ tiêu, khoai mì (sắn) xen ao cá. Dưới chân đồi là đàn bò 40 con...”.

Khánh vốn không phải là người gốc của vùng căn cứ địa Tân Sở này. Hơn chục năm trước, gia đình anh vào đây lập nghiệp theo diện kinh tế mới cùng hơn 70 gia đình khác. Ngày đó, hậu quả của bom đạn và chất độc hoá học biến nơi đây thành vùng đất “chết”. Nhiều người ngao ngán: “Đến cây cỏ cũng không mọc được thì người làm sao sống nổi”. Nhiều người ra đi, cuối cùng chỉ gần chục gia đình bám trụ lại, trong đó có gia đình Khánh.

Sau thời gian bỏ công đi các vùng khác nghiên cứu, Khánh rút ra kết luận: vùng này tuy toàn đồi núi nhưng là đất đỏ bazan, có thể trồng được hồ tiêu. Nói là làm, Khánh vay vốn ngân hàng để có tiền đầu tư sản xuất. Hàng ngày, bóng Khánh in trên những ngọn đồi từ lúc mờ sáng đến khi chiều muộn. Mỗi nhát cuốc chất chứa biết bao quyết tâm, từng ngọn đồi bị bỏ lại sau lưng, vết chai sạn thay nhau in hằn trên đôi tay chàng trai trẻ... Trời đã không phụ lòng người, sau một thời gian, cây đã đơm hoa, kết quả. Cầm những đồng tiền đầu tiên có được từ việc bán hồ tiêu, Khánh rơi nước mắt: “Đất này vẫn có linh hồn chứ chưa hoàn toàn là đất chết”. Anh mạnh dạn vay thêm vốn xây dựng trang trại bề thế với rừng cao su kết hợp chăn nuôi.

Giám đốc nông dân

Có trong tay cơ ngơi khang trang nhất vùng nhưng Khánh không dừng lại ở đó. Sẵn có trong tay bằng lái xe tải hạng nặng, anh gom vốn, vay thêm bạn bè mở công ty chuyên xây dựng công trình thuỷ lợi, san ủi mặt bằng, xây dựng dân dụng. Ngày Khánh đi đăng ký thủ tục thành lập công ty, có người cười anh: “Nông dân không bằng cấp thì biết gì mà mở công ty rồi làm giám đốc!”. Khánh vẫn vững tin, và không lâu sau anh trở thành giám đốc Hai Lúa đầu tiên ở vùng này. “Nông dân làm giám đốc theo kiểu nông dân”, Khánh cười hóm hỉnh.

Những ngày đầu, Khánh trăn trở tìm hướng đi cho mình: trang trại là chiến lược lâu dài và phải có lĩnh vực kinh doanh khác tạo vốn để duy trì sản xuất. Kiêm hai chức: ông chủ trang trại và Giám đốc Công ty TNHH Bảo Khánh, Khánh bận rộn hơn. Thật may, công việc của anh khá thuận lợi, doanh thu của hai cơ sở lên đến hàng chục tỉ đồng/năm. Khánh cười: “Không ngờ nông dân cũng làm giám đốc được!”.

Không chỉ lo làm giàu cho gia đình, Khánh còn quan tâm đến lớp thanh niên trong làng, ngoài xã. Anh không ngại chỉ bảo cách làm ăn và nhiệt tình truyền cho họ ý chí, quyết tâm vượt khó vươn lên. Khánh kể: “Cách đây hơn 3 năm, một thanh niên trong vùng tên Nguyễn Công Phượng đến trình bày nguyện vọng mở trang trại chăn nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp. Nghe Phượng tâm sự, tôi mới thấy hết cái khó của thanh niên trong vùng: có khát vọng làm giàu nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu”. Thế rồi, Khánh manh nha ý tưởng về việc xây dựng một câu lạc bộ cho những thanh niên có khát vọng lập nghiệp trong vùng. Không lâu sau, Câu lạc bộ Sản xuất kinh doanh trẻ huyện Cam Lộ ra đời, Khánh kiêm luôn chức Chủ nhiệm. Từ đó, anh càng có cơ hội tham khảo nhiều mô hình làm ăn hiệu quả ở những địa phương khác, sau đó về truyền lại cho thanh niên trong vùng. Hiệu quả thấy rõ, chỉ vài năm sau, trên vùng đất tưởng khó hồi sinh ấy, hàng chục trang trại ra đời và chủ của chúng không ai khác ngoài những thanh niên tuổi đời chưa quá ba mươi. Điều Khánh mừng nhất là cơ sở chăn nuôi lợn của Phượng đã có doanh thu 600-700 triệu đồng/năm.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, Khánh cười tươi khi tiễn chúng tôi xuống chân đồi. Chúng tôi biết, anh đã tặng cho mảnh đất này mùa xuân vĩnh hằng...



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường