Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải quyết việc tồn đọng 2 triệu tấn phân bón: Cần quyết liệt các biện pháp kích cầu
13 | 01 | 2009
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới nên giá phân bón giảm mạnh, lượng tiêu thụ chậm. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đang tồn kho khoảng 2 triệu tấn phân bón các loại, ước tính lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần phải có biện pháp kích cầu đầu tư cho nông dân.

Giá phân bón giảm - nông dân "xả hơi", DN "méo mặt" 

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón VN, cho biết: Cách đây 3 tháng, giá thế giới của phân u rê là 850 USD/tấn, hiện nay giảm chỉ còn trên 200 USD/tấn; phân DAP từ 1.100 USD - 1.200 USD/tấn, giảm còn 500 USD/tấn; phân SA từ 440 USD/tấn giảm còn 145 USD/tấn. Tương tự, giá các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón cũng giảm như lưu huỳnh từ 1.000 USD/tấn giảm còn 50 USD/tấn. Giá phân bón trong nước hiện nay cũng giảm đáng kể. Nhờ vậy, người nông dân đã bớt đi được nỗi lo khi bước vào mùa vụ, bởi phân bón chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhu cầu phân bón cho sản xuất vụ Đông - Xuân năm nay chỉ khoảng 3,1 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với các năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được phân NPK bảo đảm nhu cầu; còn lại chỉ phải nhập khẩu 50% phân u rê và 100% phân DAP, SA, ka li. Đó là dấu hiệu đáng mừng đối với người nông dân, nhưng DN sản xuất phân bón thì "sập tiệm" do lượng phân bón nhập từ thời kỳ giá đắt còn tồn kho quá nhiều.

Theo báo cáo không chính thức của các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, lượng phân urê, DAP, kali và SA nhập khẩu còn tồn kho tổng cộng 1 triệu tấn. Trong đó, u rê là 388.000 tấn; DAP là 161.000 tấn; SA là 210.000 tấn và ka li là 241.000 tấn. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón, nếu tính cả phân NPK sản xuất trong nước, thì con số tồn có thể lên tới 2 triệu tấn. Nguyên nhân khiến hàng tồn đọng nhiều và giá xuống thấp là do ảnh hưởng chung của khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón ở trong thế "tiến thoái lưỡng nan" là do không lường được sự biến động của thị trường. Khi phân bón sốt giá, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã nhận định rằng mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng và có một mặt bằng giá mới, vì vụ Đông - Xuân của nước ta trùng với một số nước sử dụng lượng phân bón nhiều như Ấn Độ, Trung Quốc..., nên các doanh nghiệp đã tìm cách mua phân bón và nguyên liệu sản xuất dự trữ ngay cả ở thời điểm giá cao chót vót. Với giá cả các loại phân bón như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phân bón đang bị lỗ nặng, doanh nghiệp lỗ nhiều nhất lên tới gần một nghìn tỷ đồng. Vì vậy, dù đang tồn đọng nhiều, nhưng giá phân bón trong nước vẫn còn ở mức cao so với thị trường thế giới. Theo tính toán, giá phân u rê cao hơn 1.500-2.300 đồng/kg; phân DAP, ka li cao hơn từ 1.500-5.500 đồng/kg so với thị trường thế giới. Đối với các mặt hàng phân NPK được sản xuất hoàn toàn ở trong nước, hiện chỉ mới giảm giá khoảng 20% dù giá nguyên liệu giảm đến 60%. Đó là chưa kể khó khăn do nông dân không bán được lúa nên không có tiền mua phân bón.

"Giải cứu" DN - cần biện pháp kích cầu đầu tư cho nông dân

Để "giải cứu" các doanh nghiệp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ các biện pháp như giãn nợ, giảm thuế thu nhập, giảm lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp. Vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức bỏ thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu các loại phân bón (4.000-5.000 đồng/kg) tạo lối thoát cho các doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón giãn nợ đối với khoản vay dùng để nhập khẩu lượng phân đang tồn kho đến hết quý I-2009 và tiếp tục cho vay để doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả nhất là Nhà nước nên tập trung hỗ trợ cho nông dân vượt qua những khó khăn thông qua các chương trình kinh tế xã hội, thành lập quỹ bình ổn giá cả…, từ đó gián tiếp kích cầu thị trường phân bón. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh việc cấp giấy phép sản xuất phân bón; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất để nông dân sử dụng phân bón hiệu quả nhất.



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường