Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản Việt Nam 2009: Xuất khẩu giảm giá, nội địa thêm cạnh tranh
20 | 01 | 2009
Nông nghiệp Việt Nam năm 2008 khá thành công khi tăng trưởng 3,79%, là khu vực kinh tế duy nhất có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2007. Nhưng bước qua 2009, cái “giá đỡ” này của nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn mới, và khó đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra

Theo báo cáo thường niên Nông nghiệp 2008 và triển vọng 2009 của trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), thương mại nông lâm thuỷ sản tiếp tục xuất siêu trong năm 2008 so với năm 2007.

2008: xuất siêu trong khó khăn

Năm 2008, sản lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 2,5% nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng gần gấp đôi (tăng 92,6%) nhờ giá gạo tăng Ảnh: Lê Quang Nhật

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2008 ước đạt 16.074 triệu USD, tăng 27,8% so với năm 2007 (đạt 12.576,9 triệu USD). Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản và vật tư năm 2008 ước đạt 9.457 triệu USD, tăng gần 31,3% so với năm 2007. Như vậy, thương mại nông lâm thuỷ sản năm 2008 tiếp tục xuất siêu với mức 6.617,3 triệu USD, tăng 23,14% so với mức xuất siêu của năm 2007 (đạt 5.374 triệu USD).

Năm 2008 nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tuy giảm về sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng – giống như xu thế của năm 2007, do các mặt hàng này được giá trên thị trường thế giới.

Đối với nhập khẩu, năm 2008 cũng là năm ghi nhận sự tăng giá đột biến của nhiều mặt hàng nhập khẩu trong đó có phân bón và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Phân bón dù giảm 21,2% về lượng nhưng lại tăng 47% về giá trị nhập khẩu.

Bên cạnh các thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2008 cũng gặp phải không ít những khó khăn. Đó là tác động chi phí khiến giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao (giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc trừ sâu…). Khủng hoảng tài chính và biến động giá nông sản trên thị trường thế giới gây bất lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Dịch bệnh và thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới cung – cầu nông sản, thực phẩm. Vấn đề chất lượng vật tư nông nghiệp đã thực sự trở thành “dịch”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và thu nhập của người nông dân…

2009: khó đạt mục tiêu

Hội thảo sẽ cung cấp các thông tin tổng kết, phân tích ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới năm 2008 đồng thời phân tích thị trường ba mặt hàng nông sản gồm cà phê, lúa gạo, chăn nuôi trong năm 2008 và dự báo thị trường năm 2009.

Các diễn giả đến từ tổ chức Lương nông thế giới (FAO); viện Nghiên cứu chính sách lương thực thế giới (IFPRI); viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI); viện Chăn nuôi thế giới (ILRI); tổ chức Cà phê thế giới (ICO); đại học Tây Úc; viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam (CIEM/MPI); viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam (IPSARD/MARD); trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, bộ Tài Nguyên và môi trường Việt Nam.

Theo dự báo của IMF, thương mại hàng hoá và dịch vụ của thế giới năm 2009 sẽ giảm hơn một nửa so với năm 2008 (4,6% năm 2009 so với mức 2,1% năm 2008). Trong đó, nhập khẩu của khu vực các nước có nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm mạnh (giảm 1,9%) xuống mức -0,1%.

Nhận thức được những khó khăn từ bản thân nội tại nền kinh tế trong nước cũng như các tác động từ bên ngoài, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2009 là khoảng 6,5% – mức tương đương với năm 2008. Trong đó, giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm ngư nghiệp là khoảng 2,8%. Tuy nhiên, theo dự báo của AGROINFO, tăng trưởng GDP khu vực nông lâm thuỷ sản năm 2009 có thể chỉ đạt 2,33%, thấp hơn 0,5% so với mục tiêu tăng 2,8% của ngành nông nghiệp bởi lẽ:

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2008 bằng 79% GDP của khu vực nông lâm thuỷ sản. Nhưng đến năm 2009, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản dự báo sẽ không được thành công như năm 2008 do giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã giảm mạnh trong khi lượng xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Vào thời điểm cuối tháng 11.2008, giá gạo đã giảm khoảng 46%, giá cà phê giảm 25%, điều giảm 20%, cao su giảm 40% so với mức giá đỉnh điểm vào tháng 7.2008. Giá xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản năm 2009 sẽ khó có thể tăng trở lại do nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Do vậy, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2009 sẽ giảm sút mạnh về giá trị, giảm khoảng 30 – 40%.

Năng lực sản xuất của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, cà phê, cao su… đã đến ngưỡng do đó khó có khả năng tăng cao về lượng.

Việc xuất khẩu ra nước ngoài hạn chế sẽ kích thích chủ trương hướng vào thị trường nội địa. Nhưng năm 2009 là năm thứ ba Việt Nam gia nhập WTO, nhiều cam kết thương mại bắt đầu được thực hiện theo tiến trình hội nhập, các mặt hàng nông sản giá rẻ của các nước sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam, cạnh tranh với các sản phẩm nông sản trong nước.

Thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn thường trực, đe doạ đến sản xuất của khu vực nông lâm ngư nghiệp. Ngay đầu năm 2009, những cơn mưa trái mùa ở vùng Đông Nam bộ đã làm hỏng hàng ngàn hecta bắp giống của vùng này, có khả năng gây nên cơn sốt thiếu giống bắp cho năm 2009. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên gia súc gia cầm vẫn chưa được không chế hoàn toàn, nguy cơ bùng phát trên diện rộng vẫn có thể xảy ra như năm 2008.



– Trần Ngọc Yến (AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường