Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gỡ khó cho hộ nuôi bò sữa
22 | 01 | 2009
Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng nhiều hộ nông dân nuôi bò sữa ở các xã Phù Đổng, Dương Hà, Trung Mầu... huyện Gia Lâm (Hà Nội) đâu còn tâm trạng để lo Tết. Nhiều hộ cho biết: Họ sẽ mất Tết nếu như trong những ngày tới không ký được hợp đồng bán sữa tươi cho DN. Chỉ riêng 167 hộ dân ở xã Phù Đổng mỗi ngày đã có hơn 2 tấn sữa tươi phải đem nuôi lợn, cho bò sữa uống, thậm chí phải bỏ đi.

Nông dân đợi doanh nghiệp

Thời gian gần đây nhiều hộ dân nuôi bò sữa vẫn gặp khó khăn, không tiêu thụ được sản phẩm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: Toàn xã có 1.300 con bò sữa, trong đó có gần 700 con đang cho khai thác, bình quân mỗi ngày có từ 8,5 - 9 tấn sữa tươi, bán cho 6 hộ thu gom để cung ứng cho các hộ, DN chế biến sữa. Điều mừng là những hộ có hợp đồng cung ứng sữa cho DN có uy tín thương hiệu lớn như Công ty Sữa quốc tế IDP, Vinamilk, Hanoimilk thì việc thu mua sữa và giá cả vẫn ổn định. Ngược lại, hộ thu gom của anh Vũ Văn Thực, từ tháng 9-2008, do cắt hợp đồng với Công ty Sữa Vinamilk để bán cho một hộ tư nhân với giá cao hơn 100 đồng/kg. Nhưng ngay sau đó, do "bão" mê-la-min tháng 10-2008 hộ anh Thực đã phải đổ bỏ 3 tấn sữa tươi do không tiêu thụ được và mới đây (giữa tháng 1-2009) lại phải đổ bỏ 500kg sữa tươi. Anh Thực cho biết, do đơn vị thu mua sữa của anh là hộ tư nhân ở tỉnh Hải Dương, vào dịp Tết Nguyên đán họ ngừng không mua. Như vậy hợp đồng cung ứng của 167 hộ cho anh Thực, mỗi ngày hơn 2 tấn sữa tươi đã bị ứ đọng. Đó là chưa kể một số hộ nuôi bò sữa ở các xã Dương Hà, Trung Mầu... huyện Gia Lâm, một số hộ ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) và ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cũng đang chịu cảnh này.

Khẩn cấp tháo gỡ khó khăn cho hộ nuôi bò sữa, ngày 14-1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT); Sở NN-PTNT Hà Nội đã có văn bản gửi Công ty Vinamilk, Công ty Sữa quốc tế IDP đề nghị các DN tích cực thu mua sữa tươi nguyên liệu. Theo Cục Chăn nuôi, từ quý IV năm 2008 đến nay, hàng chục tấn sữa của người dân các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội không được thu mua hết, người chăn nuôi bò sữa thực sự đang lao đao. Ngành nông nghiệp đã đề nghị các DN chế biến tạo điều kiện mua hết sữa cho nông dân nuôi bò sữa. Ngoài ra, các Sở NN-PTNT TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh có trách nhiệm hướng dẫn hộ nuôi bò sữa và thống kê tình hình sản xuất, thu mua sữa trên địa bàn, tạo điều kiện cần thiết và phối hợp với các DN để cố gắng thu mua hết sữa cho nông dân.

Doanh nghiệp đã vào cuộc

Từ ngày 16-1, các DN lớn trong ngành sữa Việt Nam như Vinamilk, IDP đã giải quyết các thủ tục liên quan để thu mua sữa cho nông dân ở Hà Nội và Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) Trần Tuấn Khải cho hay: "Chúng tôi đang thu mua sữa ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hơn 3 tấn/ngày. Còn ở Yên Lạc, sắp tới sẽ thu mua 2,5 tấn/ngày". Ảnh hưởng của "bão" mê-la-min tác động nhiều DN nhỏ, hộ tư nhân không làm ăn được, IDP xét nghiệm sữa tươi của nông dân đạt tiêu chuẩn đã thu mua lượng sữa tăng gấp ba lần. Các vùng nguyên liệu có nhiều nhà máy chế biến như Ba Vì, Phù Đổng... đã đăng ký bán sản phẩm cho IDP. Trong lúc khó khăn, IDP sẵn sàng phối hợp với các DN sát cánh với nông dân. Tuy nhiên, ông Khải cũng nêu cái khó của IDP là kinh phí và ngoại tệ để nhập khẩu giấy làm bao bì (hộp đựng sữa). "Lương thưởng Tết năm nay của cán bộ, công nhân công bố như mọi năm, nhưng tiền phải tập trung để DN dồn tiền mua sữa cho nông dân, đây là giải pháp thiết thực của DN giúp bà con đón Tết" - ông Khải nói.

Ông Phạm Tuyên, Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk cam kết: Trong các ngày từ 16 đến 20-1, chúng tôi bố trí cán bộ kỹ thuật đến các hộ gia đình khẩn trương rà soát, kiểm đếm số lượng đàn bò tới từng hộ dân và hoàn thiện các thủ tục cần thiết, DN đã kết thúc các thủ tục lấy mẫu, rà soát vào chiều ngày 19-1. Đến ngày 20-1, Công ty sẽ thu mua hết sữa còn tồn đọng của 198 hộ nuôi bò sữa ở huyện Gia Lâm, Khoái Châu (Hưng Yên), dự kiến sản lượng sữa là 3,8 tấn/ngày. Điều đáng mừng, trong việc thu mua sữa cho nông dân đợt này, Vinamilk đã ký hợp đồng trực tiếp tới từng hộ dân, không thu mua qua đại lý như trước đây nên việc hướng dẫn làm thủ tục ký hợp đồng, thời gian, địa điểm thu gom… đều được thực hiện chặt chẽ và chuyên nghiệp, bảo đảm lợi ích của cả DN và nông dân", ông Tuyên khẳng định. Mặc dù hiện nay là thời điểm khó khăn đối với DN, nhưng đơn vị tăng lượng thu mua lên 32 tấn sữa tươi/ngày.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn cho rằng: Cơn khủng hoảng sữa vừa qua ở một số địa phương của Hà Nội và Vĩnh Phúc là bài học đắt giá trong việc gắn kết giữa DN - nông dân và cơ quan quản lý nhà nước. Huyện Ba Vì là cái nôi bò sữa của Hà Nội; tuy thời gian qua thị trường có nhiều biến động nhưng nông dân ở đây vẫn yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng đàn bò đã ký hợp đồng và cam kết làm ăn lâu dài với một DN cụ thể. Ngoài sự ổn định "đầu ra", họ còn được DN hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và được tư vấn về các điều khoản liên quan trong hợp đồng với DN. Sở dĩ có nhiều hộ nông dân phải đổ bỏ sữa, đều do làm ăn nhờ, không ký hợp đồng và cam kết gắn bó với một DN nào.



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường